Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Lược sử chùa Hiệp Minh

LƯỢC S CHÙA HIP MINH
(ĐÀN TIÊN CÁI KH)
KỶ NIỆM 100 NĂM : 1911 - 2011

I/. Bối cảnh lịch sử

Đầu thế kỷ XX, tại miền Tây Nam Bộ xuất hiện phái Minh Sư (tức Minh Sư Đại Đạo) tựa phái Thiếu Lâm ở Trung Quốc.
Tại làng Bình Thủy (Cần Thơ) có ngôi chùa Minh Sư hay Đức Tế Phật đường tức chùa Nam Nhã – chùa này do Lão Thái Nguyễn Giác Duyên lập nên. Chùa rất nổi tiếng về vẻ đẹp và kiến trúc bề thế, vững chãi mà hài hòa với thiên nhiên .
Tại nơi đây, vị trụ trì bấy giờ là Pháp sư Kinh thường tập hợp một số thân hào nhân sĩ trí thức hay chữ cùng có thú vị thanh tao: đánh cờ, uống rượu, ngâm thơ, xướng họa và nhất là thỉnh tiên – Nội dung việc lập đàn cầu cơ thỉnh tiên chủ yếu là dạy đạo, cho thuốc chữa bệnh. Khi thỉnh cơ thường có một vị thần gốc địa phương lúc sanh tiền làm chức Bồi Bái, thường giáng đàn cho thơ và lời khuyến thiện , xưng tên là Đinh Công Chánh.
Tại long Xuyên, cũng có gia quyến người con rễ ông Phạm Ngọc Ngưu (người sáng lập Đàn Tiên Quang Xuân sau này) là ông Từ Thiên Phước (thế danh là Ủng) cũng tìm hiểu học hỏi và tổ chức đàn cơ như thế tại nhà. Nổi bật trong các vị Trích Tiên, giáng đàn có ông cử Dương Bá Trạc, một sĩ phu yêu nước.
Ông Phạm Ngưu thường hay lui tới các nơi tổ chức thỉnh tiên tại Bình Thủy và Long Xuyên cốt để tìm hiểu về đàn cơ và nhất là xin thuốc chữa bệnh nan y cho người nhà. Cũng chính từ đó, nhu cầu xin thuốc chữa bệnh của người dân nói chung trở nên vô cùng bức thiết khi mà trình độ dân trí còn kém cỏi, phương tiện y tế vệ sinh vô cùng thiếu thốn. Chẳng những thế, tại ven rạch Cái Khế và các vùng phụ cận tuy là gần thị xã Cần Thơ nhưng phương tiện giao thông vô cùng trắc trở (kênh mương chằng chịt, đường đất hoang vu), thiếu tiện nghi ánh sáng,… Người xưa kể lại cảnh tượng hải hùng trong một đêm hỏang loạn vì bệnh dịch tả, người dân phải tất tả chạy đuốc đánh mỏ cầu cứu liên hồi, để cầu cứu thuốc thang chữa bệnh và sáng ra có đến hàng chục người chết.
Người ta đành quy ngưỡng cõi vô hình, hướng tâm linh để cầu vọng các đấng thiêng liêng ban phước lành cho mọi người. Đó phải chăng là  Đức Tin, là điểm tựa tinh thần , mà người dân cần có để sống !
Là một người dân thức thời cuộc sống trong hiện trạng xã hội như thế, ông Phạm Ngọc Ngưu quyết định xây dựng một ngôi chùa của riêng mình để cho bà con dòng họ và người dân quanh vùng có nơi tu hành và nhất là xin thuốc chữa bệnh.
Xin nói thêm, trước đây tại thị xã Cần Thơ chỉ có hai chùa Phật đơn thuần là chùa Thới Long của gia đình ông giáo Lâm Văn Phận (tức Thầy Phận) sáng lập gần cầu Đôi Mới (đường Hùng Vương hiện nay) và hai là chùa Cây Bàng (trong khu chợ Cả Đài)

II/. SỰ RA ĐỜI CỦA CHÙA QUANG XUÂN, CÁI NÔI CỦA PHÁI TIÊN ĐÀN:
Ông Phạm Ngọc Ngưu bàn bạc với người con rễ nhiệt huyết và là trợ thủ đắc lực là ông  Từ Thiện Phước, ông Trần Ngọc Diệm cùng với ông Đoàn Hữu Lương (thân sinh ông Đoàn Hữu Cầu – chủ nhân vườn Thày Cầu nổi tiếng sau này tại hẽm Rạch Chanh) thành lập một Đàn ngay sau vườn nhà mình để thỉnh Tiên dạy đạo, xướng hoạ thơ văn và cho thuốc chữa bệnh cứu độ chúng sanh. Ngoài các nhân vật chủ lực trên, ông Ngưu còn mời thêm các vị cộng tác giàu nhiệt huyết, có năng lực và trình độ học vấn cao, chủ yếu là bà con bên vợ như Hồ Anh Tuấn, Hồ Văn Vĩnh, Hồ Thị Chiêm, Trương Văn Giáp, gánh họ Phan như Phan Chánh Tâm, Phan Thông Tánh, Phan Thông Ngạn, Phan Thông Ý, Phan Thông Giai, và  một số láng giềng trí thức như ông Mười Trương, thầy Hai Sự.
Đàn được xây dựng đơn sơ bằng cây ván, lợp lá, diện tích khỏang 45m2, sàn gỗ cao 2m có thang lên xuống hai bên. Nhìn về phía Tây là bàn thờ chư Tiên, chư Phật. Phía Đông là tượng Đức Quan Âm. Kiến trúc gỉan đơn mộc mạc nhưng cao ráo thanh tịnh trong toàn cảnh quan tĩnh mịch rất hợp với sự trầm lắng thiêng liêng để tổ chức đàn cơ thỉnh Phật, thỉnh Tiên.
Như đã nêu trên, Đàn tọa lạc ngay sau vườn nhà ông Phạm Ngọc Ngưu số 89/16 đường Paul Emery (sau lần lượt đổi tên là Cống Quỳnh và Huỳnh Thúc Kháng trong chợ Mít Nài, nay là chợ An Nghiệp).
Đêm mồng một tháng bảy năm Đinh Mùi (1907), đàn cơ đầu tiên được tổ chức. Chủ lễ là pháp sư Phan Chánh Tâm, phó là ông Phan Thông Tánh. Đồng tử chính là ông Hồ Văn Tú , phó là ông Nguyễn Thiện Sự , thày Ba Huy (người Nghệ An nên bà con thường gọi là thày Ba Huế) dạy chữ Hán, người láng giềng. Điển ký là ông Phan Thông Ngạn và Phan Thông Ý. Đạo hữu khá đông đủ đến dự lễ đàn mà phần đông là con cháu gánh họ Phạm và họ Phan Thông.
Phật dạy về nghi thức thờ cúng, tụng niệm, cho Pháp danh đối với các đạo hữu Phật tử xin nhập chúng đầu tiên ngay ngày thành lập. Đàn có tên là chùa Quang Xuân. Chùa được tu bổ tôn tạo vào các năm 1910 và 1930 với tường gạch , mái ngói nền gạch bông cao ráo, thoáng mát rộng rãi. Có thể nói chùa Quang Xuân là cái nôi, là cội nguồn của phái Tiên Đàn . Chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế) sau này là cái nhánh sinh ra từ cái gốc là chùa Quang Xuân.

III/. SỰ THÀNH LẬP  CHÙA HIỆP MINH (ĐÀN TIÊN CÁI KHẾ)
Sự ra đời đúng lúc của chùa Quang Xuân từ năm 1907 thu hút phần đông bà con dòng họ ông Phạm Ngọc Ngưu nhất là bà con bên vợ và chính là gánh họ Phan Thông. Con cháu đạo hữu đều nhập chúng từ chùa Quang Xuân và là đệ tử Quang Xuân.
Tuy nhiên, trong số các bậc tiền bối họ Phan (bên vợ ông Phạm Ngọc Ngưu) chỉ còn mỗi ông Phan Thông Lý tức ông Cả Lý (cùng ngụ tại ven bờ rạch Cái Khế, làng Thới Bình) dù là đạo hữu trên nguyên tắc , nhưng ông không “sốt sắng” lắm trong việc hoà nhập với Quang Xuân.
Có lẽ , một phần do sự dung rũi mà cũng chính là cơ duyên do Ơn Trên sắp đặt nên xui khiến ông Cả Lý tỉnh mộng và “nhập cuộc”  với Tiên Đàn. Nhà ông bà Cả Lý có người con út và là quý tử tên là Phan Thông Sung (chín Sung) mắc bệnh trầm trọng đến á khẩu, cứng hàm hết phương cứu chữa cho dù gia đình đã chạy thày, chạy thuốc khắp nơi!. Trong hòan cảnh vô vọng đó , có người láng giềng và là đạo hữu đến mách bảo với ông bà Cả Lý nên đến chùa Quang Xuân cầu đàn xin thuốc chữa bệnh cho con. Như chợt tỉnh ngộ, ông bà Cả Lý vội đến chùa Quang Xuân xin sám hối và đề nghị tổ chức đàn cơ kết hợp xin thuốc – Và, Phật trời đã không phụ lòng thành của Đạo hữu và chúng sanh. Thuốc Phật cho đã cứu độ ông Chín Sung dần khỏi bệnh.
Tạ ơn Phật Trời, ông Cả Lý khấn nguyện sám hối đi chùa và hiến dâng một số đất 6.000m2 để cất thêm một ngôi chùa mới cho chính dòng họ mình. Phần đất này về mặt hậu giáp ranh chùa Quang Xuân (chỉ cách con mương chưa đầy 3m). Nhưng về mặt tiền đường Huỳnh Thúc Kháng cách nhau 200m. Vào giữa năm Tân Hợi (1911) chùa Chánh Minh chính thức được thành lập đơn sơ bằng cây ván, lợp lá, sàn gỗ cao 2m có thang lên xuống (nay là chùa Hiệp Minh)

ảnh minh họa

Đây là kiểng tạm của Đàn Tiên Chánh Minh thuở ban đầu để có nơi thờ phượng và thỉnh Tiên.
Đến ngày 25 tháng 10 năm Tân Hợi 1911, đàn cơ đầu tiên được tổ chức với sự tham dự của toàn đạo hữu chùa Quang Xuân bấy giờ từ Pháp sư, đến đồng tử, điển ký, hộ đàn,… vì bà con đạo hữu hiện giờ đều nhập chúng (nhập môn) tại chùa Quang Xuân (kể cả ông bà Cả Lý).

  Bàn cơ  
         
                                                                        Ngọc cơ

Thần cơ gíang đàn trong bài thơ xưng danh gồm có hai vị : một là Từ Đạo Hạnh pháp hiệu Từ Đại Công Vương Bồ Tát, hai là Nguyễn Giác Hải , pháp hiệu Nguyễn Đại Công Vương Bồ Tát. Thần cơ dạy đạo tu theo Tam Giáo (Nho – Thích – Lão). Dần sau này hai vị Bồ Tát gíang đàn dạy chuyển qua đọc kinh Phật ngoại trừ kinh đặc trưng của chùa Quang Minh (Quang Xuân-Chánh Minh) là kinh Tiên Đàn và một số nghi thức phúng tụng đặc biệt khác (như phụng tửu, phụng xôi chè , vv,…)
Kinh sách chữ nho do ông Phan Thông Ngạn (pháp danh Hoa Linh) thỉnh ở chùa Phi Lai, Châu Đốc , sau này ông Phan thông Ý (Chơn Từ) và ông Hoa Linh dịch thành Quốc ngữ. Diễn tiến hoạt động song hành cùng phái Tiên Đàn của hai chùa Quang Xuân và Chánh Minh thật gắn bó mật thiết với nhau. Tại tất cả lễ vía, đạo hữu hành lễ bên Quang Xuân trước rồi mới trở qua Chánh Minh.
Đến năm 1916 thì chùa Chánh Minh được xây dựng chính thức trên nền tảng mới tại phần đất hiến của ông Cả Lý (đơn xin phép xây Đàn và xin phép cúng đề ngày 8 tháng 8 nằm 1916 bởi quan chức Tổng Định Bảo và tỉnh Cần Thơ thông qua hội đồng hương chức làng Thới Bình. Có nói rõ ở phần chú thích) . Ông Cả Lý tự viết đơn ký tên và được chấp thuận. (2)
Chùa Chánh Minh sau này được đổi tên là Hiệp Minh. Chùa được tái thiết năm 1932 bằng vật liệu nặng và được tôn tạo vào các năm 1942, 2003, 2009…


Đơn xin phép lập Đàn của ông Cả Lý

IV/. CƠ SỞ VẬT CHẤT CHÙA HIỆP MINH (ĐÀN TIÊN CÁI KHẾ)
Chùa tọa lạc tại số 97 Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều , thành phố Cần Thơ. Từ ngoài nhìn vào trong lần lượt là các công trình : cổng Tam Quan, cột phướn, Phật Mẫu lộ thiên, hậu liêu, trai đường, cấm phòng. Sau hậu liêu là Sân Tiên Trưởng, hòn non bộ, chánh điện , thất trùng hàng thọ, Bửu tháp, sau cùng là nghĩa địa của đệ tử hai chùa.

1/. Cổng Tam Quan : cổng cũ làm bằng sắt tròn rất chắc chắn (do Sở Công Chánh thời Pháp thiết kế) gồm hai cánh kéo vào . Cổng được tôn tạo thành tam quan xây gạch, vòm cong, mái đúc vào tháng 6 năm 2009. Cổng  được trang trí bằng hoa văn hoạ tiết theo kiến trúc Phật giáo. Mặt ngoài và trong cổng chính lẫn phụ đều có câu đối ngụ ý tu tâm duỗng tánh hướng về Phập Pháp và Tiên Đàn.

Cổng Tam Quan

2/. Cột phướn : tọa lạc trước sân chùa , cao 25m được xây dựng từ năm 1935 do một đệ tử chùa là đốc công Trần Quang An xây dựng và hiến  cúng. Tương truyền, một ngày nọ, xe hơi riêng của ông An đang trên đường đi công tác bỗng dưng gặp một con kỳ đà to tướng phóng ra cản đầu xe. Xe kịp thắng lại và quay trở về. Liền đó phía trước đường nơi xe sắp đi tới là có xe gặp tai nạn chết người. Ông An về nhà kể cho mẹ nghe. Bà không cho đây là điềm xui xẻo mà là một báo hiệu tốt lành cho bản thân con bà vừa thoát nạn.
Bà dạy ông  Trần Quang An về chùa sám hối và nguyện cúng cột phướn trước sân chùa để tạ ơn Phật Trời . Thời điểm này, với chiều cao 25m sừng sững giữa không gian yên ả mênh mông vùng rạch Cái Khế, cột phướn chùa Hiệp Minh thật sự là một kỳ quan có một không hai về mặt kiến trúc và mỹ thuật. Cột được đúc bằng bê tông cố thép hình bát giác, chân cột vòng tròn vừa cả hai người ôm. Đỉnh cột có cán treo phướn kéo bằng dây cáp với ròng rọc thép. Lá phướn dài hơn 8m, rộng gần 60cm cột vào đầu phướn bằng gỗ được chạm trỗ rất công phu. Thân phướn có viết cân đối dòng chữ Nho “ Nam mô A Di Đà Phật – Đại phóng hào quang – Chứng minh” .
Vào Đại lễ Tết Nguyên Đán , phướn được kéo lên (Thượng phướn) từ ngày 30 âm lịch tháng Chạp và hạ phướn vào hết ngày rằm tháng Giêng âm lịch năm mới. Riêng Đại lễ Vu Lan hàng năm, phướn được treo từ mồng một đến cuối tháng 7 âm lịch. Đến năm 2009, cột phướn được tôn tạo thêm thẩm mỹ: chân cột tạo hình tòa sen, đại đóa nhủ vàng, thân cột sừng sửng được ốp bằng cánh sen nhủ vàng chạy lên tới đỉnh. Đỉnh cột được tạo hình đầu rồng cũng nhủ vàng.
      Cột phướn

3/. Tượng Phật Quan Âm lộ thiên : nằm trong khuôn rào vuông vắn cẩn gạch men. Chung quanh được trang trí bằng những chậu hoa , chậu kiểng dễ nhìn. Trước tượng Phật mẫu, có nghi bàn thờ cúng hàng ngày để các Phật tử, đạo hữu bà con đến thắp nhang, lạy Phật trước khi vào hậu liêu và chánh điện.         
Tượng Phật Quan Âm lộ thiên
4/. Hậu liêu:
Tuy gọi là hậu liêu, nhưng nơi đây không có bố trí bàn thờ Tổ hay trai phòng cho các vị trụ trì như ở các chùa Phật khác. Hậu liêu Hiệp Minh có 3 gian rộng rãi thóang mát. Chính giữa là nghi thờ Phật Quan Âm với các nghi bằng gỗ quý được chạm trổ công phu và thếp vàng. Gian trái thờ các vị công thần nữ và chư vong nữ. Gian bên phải thờ công thần nam và chư vong nam. Đến năm 1932, quý ông Đốc phủ Quới (Châu Phú Quới) và con là ông Huyện Hải (Châu Văn Hải) hợp tác với ông Trương Văn Từ tức Lục Sự Từ (pháp danh Mỹ Đức) tái thiết và đại tu bằng vật liệu kiên cố đẹp đẻ và khang trang hơn. Liên tục từ năm 2003 và năm 2009, hậu liêu được tôn tạo nền cao, gạch mới, đỉnh mái có rồng chầu và xa luân tám cánh nhủ vàng.
Hậu liêu là nơi thường xuyên tổ chức cầu an, cầu siêu. Đặc biệt trong lễ Tạ ơn Tiên Phật và Tiền Vãng đêm 16 tháng 7 âm lịch hàng năm có lễ dâng vật phẩm : xôi, chè, bánh xếp, rượu, trà,… với các bài phụng đặc trưng của Đàn Tiên.


Phụng phẩm vật tạ ơn Đại lễ Vu Lan viên mãn

Những ngày lễ vía trên chánh điện (có hệ thống âm thanh liên thông hậu liêu) thì  tại hậu liêu cũng tổ chức hành lễ song hành nhưng chỉ với một vài đạo hữu hầu Phật.
Bình thường hậu liêu cũng là nơi chuẩn bị bông hoa, trái cây, trà, nước, rượu cúng để phân phối kịp lúc đến các  nghi thờ (chánh điện, hậu liêu, hòn non bộ, tứ trấn,…)
Cũng chính tại đây, bà con đạo hữu thường tập hợp để chuẩn bị “cân y chỉnh túc” (quần áo, khăn xếp chỉnh tề) trước khi lên Lễ điện.

Hậu liêu

5/ Cấm phòng:
Là dãy nhà bên trái chạy dài đến ngang cuối hậu liêu với 5 phòng khang trang thoáng mát có tiện nghi điện nước. Gọi là cấm phòng vì đây là điểm nhập thất cấm phòng của đạo hữu trường chay sống thanh tịnh nghiêm minh trong thời gian 100 ngày hoắc ít hơn từ 1 tuần đến 7 tuần lễ. Mọi giao tiếp bên ngoài chỉ thông qua một ô cửa gỗ nhỏ rộng 20cm, cao 30cm (cung cấp lương thực, nước uống, thuốc men,…) Từ sau năm 1975, chế độ cấm phòng trở nên thưa dần vì đạo hữu không hội đủ tiêu chuẩn cho phép. Các cấm phòng được cải tạo khang trang hơn để làm văn phòng Ban Hộ Tự, phòng khách và các phòng vãng lai nam , nữ dành cho đạo hữu.


 6/. Trai đường (nhà ăn chay):
Là dãy nhà bên phải đối diện với dãy cấm phòng. Trai đường được tu tạo nhiều lần từ năm 2003 và 2009 gồm một nhà ăn đủ phục vụ 100 thực khách và một nhà bếp liền kề.


7/. Sân Tiên Trưởng:
Là một quần thể kiến trúc gồm sân kiểng và bàn Tiên trưởng. Khu sân có các cây kiểng thâm niên quý hiếm tuổi thọ đến trăm năm : kim quít, tùng, bách, sộp, khế, liễu,… tô điểm cho vẻ thanh tao siêu thoát tựa chốn Tiên bồng còn gọi là Bồng lai tạm kiểng. Bàn Tiên trưởng được bày trí ngay trung tâm sân. Bàn (gồm 1 bàn và 2 trường kỷ đúc bằng xi măng, mặt cẩn gạch men mua từ bên Pháp) được đặt trên một bục cao 80cm, dài 5m, rộng 3m. Đạo hữu Trương Văn Từ (pháp danh Mỹ Đức) đã thiết kế một cách sáng tạo công trình này và đã xây dựng hiến cúng vào năm 1926. Bàn Tiên trưởng như đúng tên gọi, là  nghi thờ các vị Thánh Tiên về ngọan cảnh và chứng đàn.

                                             Bàn Tiên Trưởng: góc nhìn từ trên xuống Hậu Liêu

Tại đây, hàng năm đều tổ chức cúng ngoài trời đọc kinh Tiên Đàn (Phật chỉ dạy cho riêng Đàn Tiên Cái Khế. Bản gốc khắc bằng chữ Hán trên 5 tấm gỗ trầm hai mặt ) vào đêm mười sáu tháng 7 âm lịch để tạ ơn Phật Tiên Thánh Thần hộ trì đại lễ Cầu Siêu Vu Lan Thắng Hội hòan thành viên mãn.


Bản gốc kinh Tiên Đàn được khắc bằng gỗ trầm hai mặt
Thời gian mới đây, đạo hữu cựu của chùa Quang Xuân trước đây (là cháu của Tiền Vãng Phạm Ngọc Ngưu) có liên hệ với Ban Hộ Tự chùa Hiệp Minh để xin thỉnh chuyển bàn Tiên Trưởng Quang Xuân về sân Tiên Trưởng Hiệp Minh vì bàn không được sử dụng. Ngày mồng 9 tháng 8 âm lịch Tân Mão (6.9.2011) lễ cúng động thổ tu tạo và an vị thêm 1 bàn Tiên Trưởng tiếp nối bàn cũ của chùa Hiệp Minh.

8/.Thất trùng hàng thọ:
Ra khỏi phạm vi sân Tiên Trưởng, bên ngoài hai đường dẫn lên chánh điện là khu vườn hoa kiểng gọi là “thất trùng hàng thọ”. Gọi là thất trùng vì đạo hữu Mỹ Đức thiết kế rạch ròi bảy con đường cẩn gạch tiểu trải bằng đá trứng, chạy dài chung quanh để ngăn cách tạo cảnh cho khu huê viên. Về sau này, do thủy triều hàng năm càng cao, cây kiểng bị ngập úng, chùa cho cải tạo thành những bồn xi măng cao ráo trồng lại các loại cây cảnh giá trị: khế, mai vàng, mai chiếu thủy, mai tứ quý, ngâu, nguyệt quế,… Thất trùng hàng thọ tuy mất dáng, nhưng vẫn còn đó cả vườn kiểng tồn tại từ thời khai đàn, trãi dài chung quanh khu chánh điện và sân Tiên Trưởng.


      
9/. Hòn non bộ :
Cuối sân Tiên Trưởng, ngay trước chánh điện là hòn non bộ. Một kiến trúc mỹ thuật độc đáo được xây dựng kiên cố vào năm 1927 do đạo hữu Trương Văn Từ hiến cúng. Đá trang trí mua về từ Nha Trang. Nhóm kỹ thuật là nghệ nhân từ Gò Công. Hòn non bộ cao hơn 6 mét nằm gọn trong hồ nước được xây dựng bằng đá tảng Non bộ, là một hòn núi nhỏ cò nhiều lối đi ngoằn ngoèo theo triền núi với những kiểng chùa thanh vắng, thâm sâu, những hang động với thú rừng hoang dã,… Hòn non bộ đúng là cảnh Tiên thoát tục nửa đời, nửa đạo, đạo của thanh tịnh vô vi . Nơi đây có nghi thờ Sơn thần, Thổ địa, một trong 12 nghi phụng thờ của Tiên Đàn. Cùng thời điểm đó, ông Trương Văn Từ cũng đã thực hiện song hành một hòn non bộ khác, ngày sau chánh điện với kiến trúc tương tự nhưng qui mô nhỏ hơn.    

10/.Chánh điện :
Như đã trình bày ở phần trên, chánh điện được xây tạm từ năm 1911 lúc đầu chỉ là ngôi nhà lá, cất trên sàn gỗ có bậc thang lên xuống để tránh nước ngập. Số Phật tử đi lễ chùa có phần khiêm tốn chỉ gói gọn trong bà con đạo hữu thuộc các gánh họ sáng lập hai chùa Quang Minh (Quang Xuân- Hiệp Minh). Mãi đến năm 1942. đạo hữu Mỹ Đức (Trương Văn Từ, nguyên quán ở tỉnh Gò Công) rước nhóm thợ từ quê nhà sang trùng tu và tôn tạo ngôi chánh điện bằng vật liệu kiến cố dưới sự trông coi và giám sát của các vị Tam Quyền (ông Phan Thông Ý, ông Phan Thông Giai, ông Nguyễn Văn Bảy)
Chánh điện được xây trên nền gạch cao 1m, chiều dài 40m, rộng 15m, theo hướng Đông Tây, tường gạch mái ngói có lợp trần. Mặt tiền và mặt hậu đều có 2 cửa cái và 3 cửa sổ đủ thoáng mát cho việc hành lễ.

    
                  Trước chánh điện              
                     
   Một Lễ cúng tại chánh điện

Chánh điện tôn tạo vào các năm 2003, 2009 với nền gạch men sáng sủa, các nghi thờ các bức hoành phi liễn đối bằng gỗ mun chạm trán tỉ mỉ và được sơn son thếp vàng đẹp mắt.
Nóc chánh điện được đúc hình rồng trang trí hoa văn, hoạ tiết và xa luân tượng trưng bát chánh đạo. Hệ thống đèn điện, quạt máy, âm thanh dần được hòan chỉnh .


Chuẩn bị đi “kinh hành” trong Đại lễ Cầu Siêu

Phía trên chánh điện (hướng Tây) được thiết kế các nghi thờ: bàn 1 thờ Phật Thích Ca, bàn 2 thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, bàn 3 thờ Thập Điện Minh Vương, bàn 4 thờ Quan Thánh Đế Quân, bàn số 6 thờ chư Tiên, riêng bàn số 5 thờ Thánh Mẫu (được bố trí nghi thờ tại hậu liêu). Quay lại phiá dưới (hướng Đông) là bàn số 7 thờ Dược Sư, bàn số 8 thờ Công Đồng Thiên Sứ, và số 9 ở giữa thờ Tổ sư là hai vị Từ Đạo Hạnh tức Việt Nam Từ Đại Công Vương Bồ Tát và Nguyễn Giác Hải tức Việt Nam Nguyễn Đại Công Vương Bồ Tát (hai vị Bồ Tát đã giáng đàn dạy đạo ngay từ Đàn cơ đầu tiên tại  hai chùa Quang Minh. Bàn số 12 thờ các bậc Tiền Vãng Quang Minh được sắc phong. Riêng nghi số 10 thờ Sứ Giả Tịnh Đàn đặt tại phía sau ngòai hậu liêu. Nghi số 11 thờ Sơn Thần Thổ Điạ tại hai Hòn non trước và sau chánh điện.
Bửu pháp tòa ngay trước bàn Dược Sư
     
Bàn nghi Sám chủ (chủ lễ) đặt trước nghi thờ Phật. Đối diện phiá sau là đôn ngồi chứng minh của Pháp chủ chánh sám trong những Lễ cúng (gọi là Bửu Pháp tòa)                                                                       
Với diện tích còn lại đủ chỗ cho gần 100 Phật tử và đạo hữu quỳ cúng. Chánh điện là nơi hành lễ chính thức ngày giờ định sẵn (lịch cúng : những ngày lễ cúng trong năm)  như sám hối ngày 30 và 14 mỗi tháng , Lễ Bái Yết vào ngày mồng một và ngày rằm mỗi tháng, các  ngày vía Phật, Tiên, Thánh, Thần và đặc biệt nhất là các ngày Khánh đán và Thánh Đán các vị Tiền Vãng được tôn thờ…)
Đặc biệt trong năm có hai kỳ Đại lễ : cầu an vào thượng tuần tháng Giêng và cầu siêu suốt tháng 7 âm lịch.        
14/. Bửu tháp:
Tháp 1: là bút tháp nằm phía bên phải sau chánh điện. Tháp này do đạo hữu Phan Chánh Luân (pháp danh Giác Ngộ) xây dựng và hiến cúng ngày mồng 8 tháng 12 năm Ất Sửu (18/01/1986) Bút tháp được đúc bằng đá mài , cửa tháp bằng sắt có gắn bảng đồng chạm chữ quốc ngữ bài cổ thi thất ngôn bát cú “Bá niên thành đại mộng” .
Tháp 1 do ông Phan Chánh Luân   
xây dựng 1986 

                  
    Tháp 2 do ông Phan Thông Tư
                                                                       xây dựng năm 1995

Mục đích chính là thờ hài cốt thân sinh và cũng là Tiền vãng Nguyễn Chánh Tâm (pháp danh Quang Kiển) cùng hài cốt của cửu huyền thất tổ gánh họ Phan Thông (sau khi qua đời đổi lại là họ Nguyễn Phan Thông)  (3)
Tháp 2: nằm bên trái sau chánh điện đối diện tháp 1 được đạo hữu Phan Thông Tư pháp danh Thiện Tự xây dựng và hiến cúng ngày 12.2.1995 Ất Hợi. Ông Phan Thông Tư bấy giờ là Trưởng ban Hộ Tự muốn xây dựng tháp này là của riêng ông và quảng bá rộng rãi là nơi thờ hài cốt của đạo hữu ngoài gánh họ và cả bà con bên ngoài có nhu cầu. Và kể từ đây số lượng hài cốt nhập tháp cáng ngày càng đông và được quảng đại quần chúng biết đến. Tháp hình bát giác thẳng tấp. Năm 2009 được tôn tạo khang trang hơn với mái đúc, lợp ngói, nền tháp và các kệ để hủ cốt đều cẩn gạch men trắng. Bên trong tháp được thiết kế thóang mát sáng sủa. Chu vi bên ngoài tháp cũng được lát gạch men sạch sẽ.
Ngay trước tháp 1 và tháp 2 đếu có mái vòm rộng rãi, có nghi thờ Phật Địa Tạng. Nơi đây là điểm hành lễ mỗi kỳ “nhập tháp”(tập hợp 5 hủ cốt làm lễ một lần). Hằng năm , vào ngày 16 tháng 7 âm lịch lúc 15g, chùa tổ chức cúng giỗ hội cho chư vong. Trước mỗi tháp có hồ sen Tây Vức. Tại bốn góc trong phạm vi thất trùng hàng thọ và chánh điện đều có Miếu thờ Thần Bảo mạng an ninh gọi là Tứ Trấn. 

Lễ nhập tháp

12/.Nghĩa Trang:
Là khu ngoại vi chùa Hiệp Minh, nằm ngoài vòng rào chính với tên gọi là “Hiệp Minh Thiệu Ân nghĩa địa”. Khu nghĩa địa khá rộng, sau này được nâng cao, tránh ngập úng (năm 2010). Các đạo hữu đầu tiên không có đất nhà khi qua đời được chôn cất khang trang tại đây dưới bóng cây rậm mát. Nghĩa địa được rào chắn bao bọc cách ly với khu dân cư san sát ba mặt (năm 2003). Hằng năm, nhân ngày lễ Tết hoặc Thanh Minh, tấp nập con cháu xa gần quay về viếng mộ ông bà cha mẹ , tổ tiên làm chúng ta cũng bồi hồi nhớ lại hình ảnh:
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh…
 
 V/.SỰ QUAN HỆ GIỮA HAI CHÙA QUANG XUÂN – HIỆP MINH:
Như trên đã nói, đạo hữu đầu tiên của phái Tiên Đàn đều nhập môn ở chùa Quang Xuân (1907-1911) mãi đến khi chùa Chánh Minh (tiền thân chùa Hiệp Minh) thành lập và tổ chức đàn cơ riêng thì mới có đạo hữu nhập môn.
Tuy vậy, trong số các đàn cơ được tổ chức thì hai chùa đều thống nhất có khi tổ chức ở Quang Xuân, có khi tổ chức ở Hiệp Minh. Có thể nói tuy là hai chùa nhưng về cơ cấu lãnh đạo tổ chức là một thể thống nhất. Tuy mỗi chùa có vị đàn chủ riêng theo gánh họ sáng lập nhưng về mặt điều hành thì thống nhất cùng sám chủ, cùng kinh sư, cùng một nghi thức phụng thờ như nhau.                              
Về cách hành lễ, đạo hữu cúng ở Quang Xuân trước rồi mới trở về Hiệp Minh. Tuy là hai chùa nhưng chung quy như là một.
Về mặt thừa tự, sau khi ông Phạm Ngọc Ngưu và bà Hồ Thị Tín qua đời, chủ đàn Quang Xuân lần lượt là các ông Phạm Ngọc Thanh, Trần Ngọc Diệm và kế tiếp là ông Quảng Chiêu, bà Ngọc Sanh, Ngọc Biểu. Đến năm 2001, chùa Quang Xuân chính thức được hiến cho Giáo hội Phật Giáo Cần Thơ quản lý (có các vị trụ trì mới được bổ nhiệm để điều hành). Từ thời gian này trở về sau, đạo hữu đàn Quang Xuân và đàn Hiệp Minh hợp nhất về chùa Hiệp Minh (tức Đàn Tiên Cái Khế). Để nhớ ơn các bậc tiền vãng Quang Xuân thuở trước có công sáng lập chùa và xây dựng mối đạo Tiên Đàn, Ban Hộ Tự chùa Hiệp Minh đã thỉnh giác linh Tiền vãng Quang Xuân về thờ chung với các vị Tiền Vãng Hiệp Minh (nghi thờ Tiền vãng Quang Minh tại Chánh điện chùa Hiệp Minh . Ngoài ra có khung ảnh Tiền Vãng có ngày sắc phong treo nơi chánh điện.

Khung ảnh Tiền Vãng 

                 
                                                                        Nghi thờ Tiền Vãng

Riêng tại  chùa hiệp Minh, sau khi Đàn chủ Phan Thông Lý (Nghiêm Hòa) qua đời thì em ông là Phan Thông Ngạn (Hoa Linh) thay thế. Lần lượt tiếp theo là các vị tam quyền : Ông Phan Thông Ý (Chơn Từ), ông Phạm Thông Giai (Khánh Nhơn), và ông Nguyễn Văn Bảy (Thiên Ấn). Tiếp sau là ông Phan Thông Chỉ (Phước Khương), ông Phan Thông Quang (Nhựt Quang, ông Phan Thông Thảo (Giác Kim). Thời gian sau năm 1975, chùa Hiệp Minh thành lập Ban Hộ Tự lần lượt gồm các ông : Phan Thông Tư (Thiện Tự) , Phan Thông Thẩm (Thiện Trường),Phan Thông Chẩn (Thiện Hưng), Phan Thông Chiểu (Thiện Hảo), Võ Bá Hài (Thiện Võ) và hiện tại là ông Phan Thông Chiểu (Thiện Hảo), ông Phan Thông Huân (Thiện Chơn), Phan Thông Hiệp (Thiện Hiếu), Võ Bá Hài (Thiện Võ).
Các sám chủ (tức chủ lễ) Quang Minh được cử đặc trách hành lễ ở chùa Quang Xuân là các ông Huỳnh Trung Thuần (Minh Cẩn), Phan Thông Hỷ (Hoằng Bảo), Phan Thông Hớn (Thiện Luật), Nguyễn Quang Triều (Minh Khánh) và Võ Nguyệt Ảnh (Mỹ Đề)… Chủ lễ tại Hiệp Minh gồm các sám chủ : Phước Khương, Minh Cẩn, Hoằng Bảo, Thiện Luật, Thiện Trường, Hoằng Trí, Nhựt Quang, Diệu Nghĩa và sau này là Diệu Nghĩa, Thiện Hảo, Thiện Chơn, Minh Nguyện, Thiện Khoa, Diệu Hậu, Mỹ Hạnh, Mỹ Tiết, cùng một số sám chủ tập sự.
Ngoài ra ở một số nơi như Sài Gòn, Gò Công, Long Xuyên cũng có những đạo hữu thiện tâm đến Hiệp Minh trong những năm đầu tiên lập đạo để thỉnh giáo thọ pháp môn và lập chùa : điển hình là chùa Tứ Châu ở Bà Chiểu (Gia Định), chùa Minh Châu (sau đổi là Linh Châu) ở Gò Công, chùa Huỳnh Châu ở Trảng Bàng (Tây Ninh) , Ông Bà Trần Khắc Tinh chủ hãng xe đò Tam Hữu Long Xuyên và nhất là ông bà Lê Văn Được chủ nhà sách Lê Phan (đường Lê Lợi Sài Gòn) là những công thần có công in kinh sách cho chùa Hiệp Minh dưới danh nghĩa là chùa Tứ Châu . Đặc biệt , trong khoảng năm 1911-1917, Ngài Ngô Minh Chiêu (thế danh là Ngô Văn Chiêu) có thời gian  đến  Hiệp Minh xin dự một số Đàn cơ và xin thuốc chữa bệnh cho mẹ. Sau khi mẹ lành bệnh, Ngài có dịp trở lại chùa bái yết tạ ơn và đồng thời  xin thọ Pháp môn Thiền Định với Pháp sư Phan Chánh Tâm. Trong thời gian này, Ngài Ngô Minh Chiêu có xin sao chép các bài phụng tửu, phụng xôi chè, trái cây, bánh xếp,… đặc biệt theo nghi thức Tiên Đàn. Về sau, Ngài Ngô về Cần Thơ tổ chức và thành lập Cao Đài Chiếu Minh cùng với Thầy Niệm, ông Tư Huỳnh, ông Võ Văn Thơm (trường Trung học Tư thục Võ Văn Cần Thơ) và ông Trọng Quí tức Hồ Vinh Qui. Ngài Ngô Minh Chiêu xác nhận chùa Hiệp Minh là Tổ đình, là cái nôi đầu tiên để lập đạo sau này).
Đến ngày mồng 6 tháng 7 Bính Dần (1926) đích thân ông Phán Quí đến bái yết Đàn Tiên Cái Khế, là tổ đình của Ngài Ngô mà chính nơi nầy Tiên Ông đã khuyên Ngài tu hành mà về sau mới gặp chơn truyền.
Chính nhờ sự kiện đó mà sau nầy các chi phái liên hệ của Ngài đã có những cuộc thăm viếng Đàn Tiên Cái Khế.

VI/. TÔN CHỈ VÀ MỤC ĐÍCH TU HỌC:
Ngày từ ngày khai đàn Quang Minh (Quang Xuân 1907 – Chánh Minh 1911 sau đổi là Hiệp Minh Đàn Tiên Cái Khế) , các vị sáng lập như Phạm Ngọc Ngưu, Phan Chánh Tâm, Phan Thông Ý, Phan Thông Lý,… thường thỉnh Tiên giáng đàn dạy đạo vì các vị này hầu hết là những bậc túc nho và chịu ảnh hưởng chung của các vị tao nhân mặc khách thời bấy giờ, thường giao du mật thiết đến các vị trích Tiên như Lý Thái Bạch, Trần Đoàn,… Nội dung là đàm luận thơ văn hoặc những toa thần dược chữa bệnh nan y rất nhiệm mầu. Đàn Tiên Cái Khế bắt đầu nổi tiếng từ đó Đàn Tiên Hiệp Minh tu theo Tam giáo (Nho-Thích-Lão) lấy phương châm tu tâm , dưỡng tánh hành xử theo tam cang, ngũ thường để trọn đạo làm người và xa hơn là đạo Từ Bi Hỉ Xả Hoan Hỷ,Tinh Tấn, …gần với Phật Pháp và thêm một chút thanh tịnh vô vi để tâm linh mình thanh thoát. Tuy ban đầu theo Tam Giáo nhưng dần về sau Phật dạy hướng về Phật giáo và tụng theo kinh Phật giáo. Chỉ duy nhất là kinh Tiên Đàn dành riêng cho chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế) sử dụng trong các kỳ sám hối . (Kinh Tiên Đàn do Phật về cơ dạy). Có thể nói Tiên Đàn là cái gốc nguồn cội, cón cứu cánh của Tiên Đàn bây giờ cũng hướng về Phật Pháp là Chánh pháp. Đạo hữu Tiên Đàn là Phật Tử cư sĩ tại gia tự tu tự độ là chính.
Thời gian trước năm 1975, trong lễ Bái Yết (lạy Phật) ngày rằm mỗi tháng, Ban Hoằng Pháp gồm các đạo hữu cao niên thường soạn thảo các bài thuyết pháp vắn gọn đi từ trình độ thấp đến cao để giảng giải cho các đạo hữu cùng nghe, cùng học tập. Về sau này, phương tiện truyền thông càng được phổ biến rộng rãi nên phần lớn đạo hữu được hướng dẫn xem băng đĩa thuyết pháp tại nhà và tại hậu liêu chùa cũng có chiếu cho đạo hữu xem trong các kỳ lễ vía.

VII/. NGHI THỨC MỘT BUỔI LỄ VÍA:
Sám chủ thực hiện trình tự sau đây tùy theo nội dung lễ cúng :
1.     Họa phù
2.     Sái thủy – Sái quả hoa
3.     Thỉnh Phật chứng minh
4.     Phụng tửu 12 nghi thờ
5.     Bát Nhã
6.     Nguyện hương
7.     Khai Kinh
a/. Lễ Bái Yết (ngày rằm và mồng một hàng tháng)
-         Xướng 6 câu đảnh lễ ( 4 trên, 2 dưới) lạy 3 lần xướng như thế
b/. Sám hối :
-         Ngày thường : kinh Tiên Đàn
-         Ngày Lễ lớn : kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan
c/. Kỳ Siêu : kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan ( nếu Đại Lễ Vu Lan thêm Phổ Môn, Kim Cang, Địa Tạng, Bát Dương, Lăng Nghiêm)
d/. Cầu an : Phổ Môn – Cứu Khổ - Tiêu Tai
8.     Tâm Kinh
9.     Niệm Phật
10.    Bài Sám
11.     Hồi hướng
12.    Lễ Tất
13.    Đưa Phật

VIII/. ĐẶC ĐIỂM CỦA CHÙA HIỆP MINH:

1/. Về tổ chức: Từ ngày mở đạo đến nay, đã 100 năm, chùa Hiệp Minh không có một vị tu sĩ (nam hay nữ) xuất gia giữ vai trò trụ trì trong chùa như các chùa Phật chính thống khác. Về mặt hoằng pháp và nghi lễ, chùa có các vị sám chủ (trước kia do sắc phong) để chủ trì hành lễ và tuân giữ luật đạo cũng như các nghi thức hành lễ. Các vị sám chủ này (đạo cấp Tam , Tứ diệu, cá biệt mới tập sự là Nhị diệu) vẫn còn sinh họat gia đình như bao nhiêu đạo hữu khác trong chùa. Chỉ khác là họ được tuyển chọn nghiêm ngặt căn cứ vào đạo hạnh, năng lực, sự tự tin. Sau thời gian tập sự dưới sự gíam sát của Ban Sám chủ, lần hồi đạo hữu đó có đủ tự tin để làm chủ lễ. Các đạo hữu khác tham gia hành lễ gọi là kinh sư.
 
2/. Về đạo phục :
Tất cả đạo hữu lên chùa lễ Phật (tại hậu liêu cũng như Chánh điện đều mặc y phục toàn trắng). Cấp bậc từ mới nhập môn đến Nhứt diệu, Nhị diệu thì mặc thêm áo tràng trắng làm đạo phục. Đầu đội khăn xếp (hoặc khăn đóng) đen có giắt bông tươi. Y phục của đạo hữu từ Tam diệu, tứ diệu cũng toàn trắng thêm đạo phục là áo tràng màu vàng, khăn vàng có giắt bông tươi. Đặc biệt khi đi cầu siêu, tịnh độ bên ngoài chỉ trừ sám chủ mặc áo tràng và khăn vàng, tất cả kinh sư đều mặc áo tràng trắng.

3/. Về nguyên tắc đi tịnh độ:
Đạo hữu Đàn Tiên Cái Khế sẵn sàng phục vụ bà con (dù có đạo hay không) khi có tang ma tại tư gia hoặc xin cầu siêu ở chùa. Đạo hữu chỉ được dùng nước giải khát tại gia. Tuyệt đối không ăn và nhận thù lao của gia đình tang chủ .

4/. Về quản lý điều hành:
Ban Hộ Tự chùa Hiệp Minh được thành lập và được UBND quận Ninh Kiều và Giáo hội Phật Giáo TP. Cần Thơ chấp thuận và ra quyết định công nhận kèm theo con dấu tròn để sử dụng. Quyết định công nhận Ban Hộ Tự mang số 2995/QĐ-UBND ngáy 25.3.2011 của Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ký . Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu số 3872/ĐKMD ngày 13.10.2009 do Trưởng phòng Cảnh sát Hành chánh về TTXH ký.
-         Quyết định công nhận Ban Hộ Tự chùa Hiệp Minh số 149/QĐ/BTS ngày 20.11.2010 do Hòa Thượng Đào Như ký.
Thành phần Ban Hộ Tự gồm :
-         Trưởng Ban : ông Phan Thông Chiểu, tức Nguyễn Văn Chiểu, pháp danh Thiện Hảo.
-         Phó ban : ông Phan Thông Huân, pháp danh Thiện Chơn
-         Thơ ký : Bà Phan Thị Hà Thanh, pháp danh Đạt Châu
-         Thủ quỹ : ông Võ Bá Hài pháp danh Thiện Võ
-         Kiểm soát : ông Phan Thông Hiệp, pháp danh Thiện Hiếu
Ban Hộ Tự đề cử các Ban để hỗ trợ mọi hoạt động của chùa như : Ban Cố Vấn, Ban Hoằng Pháp, Ban Sám chủ, Ban Lễ Tân, Ban Xây Dựng, Ban Thất Trùng.
Vị trưởng ban lãnh đạo chung, đặc trách nghi thức cúng, phó ban phụ trách xây dựng, trùng tu cơ sở vật chất.
Thơ ký ghi chép biên bản, báo cáo, phác thảo văn bản. Thủ quỹ quản lý tài chánh là công quỹ của chùa với các hồ sơ sổ sách thu chi phân minh và chi tiết từng đạo hữu cúng dường cũng như chi tiết chi xuất được trưởng ban phê duyệt sổ sách và văn kiện hàng tháng. Ủy viên kiểm soát ngoài chức năng kiểm soát toàn bộ hoạt động chùa, còn đặc trách thất trùng hoa kiểng.
Các tổ chức của chùa vừa nêu trên tuy giản đơn nhưng họat động rất hữu hiệu từ nhiều thập niên qua, nhất là thời gian hiện hữu.
Để phát triển thêm đạo hữu, cứ chu kỳ năm năm tổ chức một lần đại lễ nhập chúng và Đăng diệu (nhập chúng tức là nhập môn cho đệ tử mới, đăng diệu là thăng đạo cấp cho các đạo hữu thâm niên, có đạo hạnh và công quả…
Từ trước năm 1975, các lễ nhập chúng và đăng diệu đều có tổ chức đàn cơ để Phật giáng đàn cho Pháp danh và chuẩn thuận viện thăng đạo cấp. . Trong buổi lễ trang nghiêm đó cơ bút vẽ bùa lên đầu đạo hữu gọi là “điểm đầu” công nhận.
Gần đây chùa Hiệp Minh đã tổ chức các đợt nhập chúng đăng diệu năm 1999, 2004, 2009 và đợt đặc cách nhập môn năm 2011 và cuối tháng 7 Tân Mão. Số lượng đạo hữu có pháp danh ngày một đông hơn tạo niềm tin vào ngôi chùa cổ kính trăm năm.
Pháp danh được Hội đồng sám chủ trong ban Hoằng pháp gồm đạo hữu cao niên, đạo cấp Tứ Diệu chọn lọc theo danh sách hướng dẫn đã có từ lâu đời. Các đạo hữu đăng diệu phải đội khai lễ với lòng thành kính tưởng đến Phật.
Các khai lễ được tập hợp đày đủ

  
                          Thăng Nhị Diệu (áo trắng), thăng Tam, Tứ  Diệu (áo vàng)                                                                                                                   
Chùa Hiệp Minh gắn mình với các công tác từ thiện tại địa phương, sống hài hòa đời - đạo đẹp lòng: phát gạo cứu tế nhân Đại lễ Vu Lan hàng năm, giúp quỹ khuyến học, cứu trợ thiên tai, quỹ vì người nghèo, quỹ lao động công ích… thể hiện thành tâm của mỗi đạo hữu chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế) theo phương châm “tốt đời, đẹp đạo” .

Bà con cầm phiếu xếp hàng nhận gạo vào ngày 16 tháng 7 âm lịch hàng năm

IX/. PHẦN  KẾT:
Gọi là Đàn Tiên vì ngay lúc mới thành lập, các tao nhân mặc khách, và chính các đạo hữu sáng lập chùa Hiệp Minh thường tổ chức lập đàn cầu cơ. Có những giai thoại về các vị Đại Tiên trong đó có Lý Thái Bạch , Trần Đoàn giáng đàn đàm luận thi văn với các bậc túc nho đường thời. Nhà văn Sơn Nam trong “Danh thắng Miền Nam” đã viết “Hồi những năm đầu của thế kỷ này (thế kỷ XX) Cần Thơ là nơi nổi danh với đạo tu tiên, cụ thể là việc cầu cơ. Thí dụ như đình Bình Thủy thờ ông Đinh Công Chánh , Đàn Tiên Cái Khế thỉnh mời chư Tiên về cho thi phú. Người ta tu Tiên luôn bình tĩnh trước cái chết như có các vị Tiên rước về chốn bồng lai.”
Vẻ đẹp của chùa Hiệp Minh là sự hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo với môi trường thiên nhiên, tạo nên cảnh tĩnh mịch u nhàn cộng thêm những giai thoại siêu nhiên thóat tục đó đã làm cho Đàn Tiên Cái Khế nổi danh một thời. Nhìn một cách tổng quan, cảnh trí Đàn Tiên với vẻ đẹp tự nhiên vừa trầm mặc, vừa thanh tao thi vị không kém chút lãng mạn một thời đối với tuổi thanh xuân của các cựu học sinh nhất là học sinh trường Phan Thanh Giản.
Người ta nhớ về Đàn Tiên đậm nét là các hòn sơn giả, cảnh sân Tiên trưởng như “Bồng lai tạm kiểng”, cột phướn và thất trùng hàng thọ,… như là tác phẩm nghệ thuật mang nặng triết lý phương Đông, gợi lên những nét lung linh và thâm trầm đạo vị. Trải qua bao nhiêu năm tháng, thăng trầm nhưng chùa Hiệp Minh vẫn giữ được nghi thức tôn giáo truyền thống và nét đẹp hài hòa giữa một khung cảnh yên tĩnh và tôn nghiêm. Là một ngôi chùa cổ kính thuộc Giáo hội Phật giáo Cần Thơ. Đây cũng là một di sản văn hoá, một mảng xanh thơ mộng giữa lòng thành phố với nhiều cây cảnh và hoa thơm cỏ lạ, giúp con người thư giãn và tịnh dưỡng tinh thần.
Xin mượn ý bài viết của tác giả Hoài Phương , một nhà giáo, nhà văn có tuổi đời niên thiếu gắn với vẻ đẹp nên thơ của Đàn Tiên và vườn Thầy Cầu một thuở để làm đọan kết lược sử chùa Hiệp Minh. Bài viết nói về Đàn Tiên Cái Khế trang mục “cần Thơ mến yêu” của nhựt báo Cần Thơ.
Cần Thơ tự hào có được một công trình văn hoá như thế.
Đạo hữu Đàn Tiên và con người Cần Thơ tự hào về một ngôi chùa như thế. Người lớn tuổi xin dành một chút thời gian hoài cổ. Chúng ta , thế hệ đương thời thử ghé lại Đàn Tiên vừa khám phá, vừa dành một chút hương vị hướng về tâm linh, Phật Pháp… 
Đại biểu chính quyền, đoàn thể, nhân sĩ phường An Nghiệp
và quận Ninh Kiều viếng chùa


PHỤ LỤC
DANH SÁCH  CÁC VỊ CÔNG THẦN 
TIỀN VÃNG QUANG MINH

Stt
Danh tánh
Pháp danh
Năm sinh
Năm mất
Sắc phong
Tiền Vãng
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
Ông Nguyễn Phan Thông Giai (3)
Ông Nguyễn Phan Chánh Thống
Ông Huỳnh Trung Thuần
Ông Lê Công Tịnh
Ông Trần Văn Khuê
Ông Nguyễn Phan Thông Chỉ
Ông Nguyễn Phan Thông Hỷ
Bà Hồ Thị Chiêm
Ông Nguyễn Văn Bảy

Ông Phạm Ngọc Ngưu
Ông Nguyễn Phan Thông Lý
Ông Nguyễn Phan Chánh Tâm
Ông Nguyễn Phan ThôngTánh
Ông Nguyễn Phan ThôngNgạn
Ông Nguyễn Phan ThôngÝ
Bà Hồ Thị Tính
Ông Trương Kim Giáp
Ông Trường Văn Từ
Khánh Nhơn
Quang Nhã
Minh Cẩn
Hoằng Khải
Thiện Minh
Phước Khương
Hoằng Bảo
Hồng Kiển Sanh
Thiên Ấn
Long Ân
Nghiêm Hòa
Quang Kiển
Thục Hòa
Hoa Linh
Chơn Từ
Ngọc Cơ
Quảng Chiêu
Mỹ Đức
1887-1967
1886-1967
1895-1974
1894-1975
1900-1975
1897-1971
1911-1969
1883-1964
1895-1981
1851-1915
1861-1919
1866-1940
1869-1927
1874-1932
1878-1963
1855-1939
1881-1963
1881-1960
20.9 Tân Hợi 1971
25.5 Quý Sửu 1973
20.02 Đinh Tỵ 1977
20.02 Đinh Tỵ 1977
20.02 Đinh Tỵ 1977
16.7 Mậu Ngọ 1978
10.7 Mậu Ngọ 1978
23.12 Tân Dậu1981
5.10 Nhâm Tuất 1982
8.4. Tân Mão 1951
30.6 Tân Mão 1951
25.4 Tân Mão 1951
30.6 Tân Mão 1951
30.6 Tân Mão 1951
07.3 Canh Tuất 1970
16.3 Tân Hợi 1971
16.3 Tân Hợi 1971
23.9 Tân Hợi 1971

      
DANH SÁCH  CÁC VỊ CÔNG THẦN QUANG MINH
___________
1.     Ông Lý Phùng Kiết
2.     Ông Bà Lê Phan
3.     Ông Trần Thiện Phước
4.     Ông Trần Ngọc Diệm
5.     Bà Trương Thị Nhồng PD Ngọc Sanh
6.     Ông Bà Tam Hữu (Trần Khắc Tính)
7.     Ông Châu Văn Quới
8.     Ông Châu Văn Hải PD Giác Đương tự Kiến Tánh
9.     Bà Phạm Thị Nương PD Ngọc Cận
10.    Ông Nguyễn Phan Chánh Luân PD Giác Ngộ
11.     Ông Nguyễn Phan Thông Thảo PD Giác Kim
12.     Ông Nguyễn Phan Thông Sung
13.      Ông Nguyễn Phan Thông Quang PD Nhựt Quang
14.      Ông Nguyễn Phan Thông Thẩm PD Thiện Trường
15.      Ông Nguyễn Phan Thông Tư PD Thiện Tự
16.      Ông Đoàn Hữu Cầu PD Huệ Thông
17.      Ông Nguyễn Phan Thông Hớn PD Thiện Luật
18.       Ông Nguyễn Quang Triều PD Minh Khánh
19.        Bà Trương Văn Từ
Và nhiều vị công thần nam nữ khác sẽ được tu chỉnh và bổ sung sau nầy.

Chú thích từ ngữ :

(1)  Đàn Cơ : là một buổi lễ cầu cơ thỉnh Tiên Phật (Thánh Thần) giáng đàn qua hình thức thông công bằng cơ bút. Thành phần tổ chức một đàn cơ gồm có:
1.     Vị Pháp sư điều khiển và chủ trì bộ phận thông công (cầu đàn) được gọi là Pháp đàn.
2.     Các vị hộ đàn đứng chung quanh bàn cơ
3.     Hai vị đồng tử (chính và phụ) cầm Ngọc Cơ
4.     Các vị điển ký (một đọc chữ bóng, một ghi chép vào sổ Tịch Đàn)
Cách cầu cơ : Vị Pháp đàn vẽ bùa sái thủy lên đầu đồng tử và Ngọc Cơ, thêm bốn hướng để “trấn đàn” để vừa khử trược vừa ngăn tà điển. Đồng tử được cột hai đạo bùa vào hai ngón tay cái để cầm hai bên Ngọc Cơ, tỉnh tâm chờ đợi.
Ngọc Cơ: là công cụ để điều khiển cơ bút. Ngọc Cơ được mô phỏng theo hình mô rùa, đan nhuyễn bằng sợi mây dài 32cm, rộng 27cm, thân bút dài 40cm được cố định từ đuôi dài khỏi thân Ngọc Cơ. Cổ bút dài 17cm tính từ đầu cơ. Thân dài thon thả hình tròn được tiện bằng nhánh cây trắc bá diệp hướng về phiá Đông cho có nhiều sinh khí, 1/3 thân ngoài cùng có hình vuông được khoan 2 lỗ: lỗ vuông ngoài cùng gắn bút gỗ cố định, để vẽ bóng lên bàn cơ , lỗ tròn kế trong dùng gắn bút lông lớn nhỏ để điểm đầu hoặc vẽ các loại đạo bùa (trấn tà, bình an,…). Phần dưới chân Ngọc Cơ dần nhỏ lại theo hình ô –van: dài 24cm, rộng 20cm. Mỗi bên đáy Ngọc Cơ có 3 lỗ nhỏ hình chữ nhật dùng làm điểm cầm cơ.
Sau khi vị Pháp đàn khởi lệnh, một bài kinh cầu được đọc lên. Lâu sau Ngọc Cơ được chuyển nhẹ nhàng thanh thoát. Đôi tay đồng tử không tự ý ghìm lại mà chỉ buông thả theo sự điều khiển vô hình. Cơ chuyển động là  dấu hiệu về cơ của một bậc Thánh Tiên nào đó, có lúc nhẹ nhàng khoan thai, có lúc mạnh mẽ đến lúc đồng tử phải múa may theo và đứng dậy. Khi ổn định sau khi xưng danh, thần cơ thanh thóat lướt trên bàn (có rải phấn trắng trên nền cao su đen) với nét bóng cả dấu chấm. Nội dung có thể là một bài thất ngôn bát cú đúng luật bằng trắc, có khi là một toa thuốc, tất cả đều xa lạ đối với trình độ hiểu biết của các vị đồng tử còn rất hạn chế. Có lần thần cơ cho bài thi bằng Pháp ngữ (đồng tử không rành chữ Pháp) báo hại phải mời vị điển ký am tường mới đọc và viết vào sổ được. Tương tự như thế, có khi là bài kinh chữ Hán! Thì có điển ký là người giỏi Hán văn! Đó mới thật sự là điều bí ẩn của hiện tượng siêu hình cuốn hút khoa học hiện đại tìm hiểu về siêu nhiên.

(2)  Đơn xin phép cất chùa và hoạt động của ông Cả Lý
Cần Thơ, le Aout 1916
Canton de Định Bảo
Phan Thông Lý đứng
“Bẩm quan lớn đặng rõ, tôi có cất một cái đàng, để thờ Phật và thờ Tiên tại trong vườn của tôi, nguyên là tiền của tôi làm, nên tôi đến trăm lạy Quan Lớn mở lượng rộng mà cho phép mỗi tháng hai lần là ngày rằm và ngày mồng một được phép đến đàng mà lạy Phật và Tiên, hoặc là khi có bịnh hoạn được phép ban đêm đến đó mà cầu xin thuốc Phật Tiên cho đặng mà uống, sự thật nên có làng thị chứng, như  tôi làm trái phép nhà nước thì tôi cam chịu tội.
Nên tôi đếm trăm lạy quan lớn xin mở lòng rộng rãi mà nhận lời tôi xin.
Nay bẩm
Phan Thông Lý
Ký tên

Bên phải đơn xin : Là đủ chữ ký của Hội đồng hương chức: Hương Chủ, Hương Chánh, Hương Quản, Hương Thân, Hương Hào
Xã trưởng ký tên và đóng dấu

Cần Thơ village de Thới Bình

 
Bên trái đơn xin : Ký tên đề ngày 19/8/1916 và đóng dấu Canton de Định Bảo

(3)  Họ Nguyễn Phan: Vì thời cuộc và mưu sinh, tổ tiên gánh họ Nguyễn Thông cải họ là Phan Thông . Khi mãn phần, những ai là thành viên họ Phan Thông đều lấy lại họ gốc là Nguyễn, họ phụ là Phan, kết thành Nguyễn Phan Thông (riêng đặc biệt ông Phan Chánh Tâm lại dùng lót là Chánh thay vì là Thông)

Cần Thơ, ngày 01 tháng 9 năm 2011
Ban Hộ tự chùa Hiệp Minh 

(dựa theo tài liệu tổng hợp của cố đạo hữu Thiện Luật – 
Thiện Trường, tư liệu của đạo hữu Hoằng Trí và Diệu Hậu)

LƯU HÀNH NỘI BỘ  

(Theo giấy phép xuất bản số 166/GP-STTTT  
ngày 02/11/2011  của Sở Thộng Tin và Truyền Thông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét