Thuở xưa, tại quận Ninh Ba có tên Trương Mân, cha mẹ khuất sớm, côi cút một mình, nương náu với bà con cho qua ngày tháng, sau đến làm mướn với người phú hộ ở cách làng, chuyên nghề bện dép lác.
Thường bữa sớm mai, chàng gánh giỏ đi cắt lác, hay đi ngang qua trước một cảnh chùa, nghe các sãi công phu, chuông trống inh ỏi. Lần nào chàng cũng để giỏ trước cửa chùa, vào xem một lát rồi mới đi.
Hòa thượng thường thấy như vậy, nên một bữa nọ, Ngài kêu chàng mà hỏi rằng: "Nhà ngươi muốn tu hay sao mà ngày nào cũng thấy đến đây?"
Trương Mân nghe Hòa thượng hỏi mấy lời, liền chấp tay thưa rằng: "Bạch thầy! Con muốn lắm, nhưng con là đứa ở đợ với người , không biết tính làm sao mà tu cho được".
Hòa thượng nói: "Hễ muốn là được, sự tu hành chẳng luận là chủ hay đầy tớ, và cũng chẳng cần người ở am tự hay kẻ tại gia, hễ có lòng thành thì gặp cảnh ngộ nào cũng tu được cả. Như nay ngươi đang ở đầy tớ cho người, nếu ngươi có chí muốn tu thì ta dạy một cách rất dễ dàng , miễn ngươi chí thành thì có hiệu nghiệm".
Trương Mân nghe nói rất mừng, liền quỳ xuống đảnh lễ mà thưa rằng: "Xin nhờ ơn thầy chỉ giáo dùm cho đề tử!".
Hòa thượng nói: "Ngươi cứ về tập ăn chay lần lần, trước ăn chay kỳ, sau sẽ ăn trường và giữ năm điều cấm cho tinh nghiêm, rồi cứ thường ngày niệm sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật". Mỗi khi niệm Phật phải chuyên tâm chú ý, đừng cho xao lãng lúc nào, thì cả đời ngươi sẽ được bình yên , mà đến lúc lâm chung lại được siêu sinh về Tịnh độ nữa".
Trương Mân nghe sư ông dạy bảo mấy điều thì hết sức vui mừng, bèn bái tạ thầy rồi về nhà cứ y theo lời dạy, thành tâm phát nguyện ăn chay trường và mỗi bửa thường niệm Phật.
Chàng lại đan một cái giỏ bằng tre để trước mặt, mỗi khi niệm Phật một biến, thì ngắt một cọng lác bỏ vào giỏ ấy, như lần một hột chuỗi bồ đề vậy.
Mỗi khi cọng lác đầy giỏ, chàng liền xách đến chùa bạch cùng Hòa thượng, rồi đem ra trước bàn Địa Tạng vái đốt, cứ chí tâm làm như vậy được mười năm.
Một bữa nọ, ông chủ của Trương Mân bị đau chứng ung thư phát thối, người nhà đi tìm rước đủ lương y cứu chữa, nhưng bệnh đã không thuyên giảm chút nào mà càng ngày lại càng nặng.
Một hôm, ông nằm chiêm bao thấy quỷ sứ đến bắt ông dẫn về nơi Minh phủ, bị vua Diêm La quở trách và kể hết những tội ác của ông khi ở trên dương thế.
Ông phú hộ nghe Diêm chúa tỏ hết tội của mình, không sót một khoảng nào, thì liền sợ hãi, lạy lục và khóc lóc xin tha thứ cho về dương thế lo tu phước, hòng chuộc tội đã lỡ lầm.
Diêm chúa thấy ông đã ăn năn tự hối và nghĩ đến Trương Mân mỗi khi niệm Phật có cầu nguyện cho ông, nên phán rằng: "Ngươi khi ở trên dương thế đã làm nhiều điều ác đức, cho vay đặt nợ một vốn năm bảy lời, lập mưu này bày kế nọ mà lo chứa tiền của cho nhiều, chẳng thương kẻ khó, lại làm nhiều sự ức hiếp cho người nghèo. Nếu chiếu theo luật Diêm đình mà phán xử, thì phải bỏ nhà người vào rừng kiếm non đao thì mới đáng. Nhưng vì ngươi có một đầy tớ tên là Trương Mân, rất trung tín không ai bì, thường bửa hay niệm Phật, lại có lòng cầu nguyện cho ngươi, nhờ vậy mà ngươi được giảm bớt tội. Nay ngươi nên đền ơn cho nó một ngàn nén bạc, để nó làm những điều từ thiện thì mới được tiêu tội và thêm phước cho ngươi!"
Ông phú hộ nghe vua Diêm la phán dạy như vậy thì mừng rỡ vô cùng, liền giật mình thức dậy. Ông bèn kêu tất cả vợ con đến và thuật lại điềm chiêm bao ấy thì cả nhà nghe nói đều lấy làm kỳ.
Ông bèn kêu Trương Mân nói rằng: "Con đến ở cùng ông đã lâu, không dè con có lòng chí thành, biết ăn chay niệm Phật đến nỗi cảm kích đến Diêm đình, lại thành tâm cầu nguyện cho cả nhà ông được thêm phước thọ. Nay ông còn sống trên dương thế cũng nhờ công đức của con, vậy ông cho con một ngàn nén bạc, tự ý con liệu việc gì làm có phước thiện, thì con lấy bạc ấy dùng!"
Trương Mân nói: "Thưa ông! Con vì nghèo cực, đến ở mướn cùng ông, manh áo bát cơm cũng nhờ ông bảo dưỡng. Con có chút công đức thì đâu xứng đáng cái ơn ấy mà ông cho bạc nhiều như thế! Con thưa thiệt cùng ông! Cách nay 10 năm, con có đến chùa gặp ngài Hòa thượng thương con, dạy cách ăn chay niệm Phật, nên con thành tâm tu niệm lâu ngày và thường cầu nguyện cho ông được phước thọ tăng long, để đền đáp lại ơn cao dày trong muôn một. Đó cũng là bổn phận của con phải làm.
Nếu ngày nay ông vâng lời Diêm vương cho tiền bạc, thì con biết để làm gì. Cha mẹ đã mất, vợ con cũng không nên con không dám nhận. Vậy con xin thưa lại cho ông rõ điều này: Nguyên ngày trước, con vào chùa thường nghe Hòa thượng giảng về sự tu phước và nói rằng việc lập chùa, đúc tượng Phật, bố thí cho kẻ nghèo đói và bắc cầu đắp lộ cho người đi, thì được nhiều phước đức. Con nghe nói cũng muốn làm, nhưng ngặt vì không tiền, nên không thể đạt kỳ sở nguyện. Thôi ngày nay số tiền ông hứa cho con đó, xin để lại lập một cảnh chùa, còn dư bao nhiêu thì ông bố thí cho dân nghèo trong làng và làm một cái cầu bắc ngang sông này cho hành khách qua lại để khỏi bị cái họa đắm đuối, thì con rất vui lòng!"
Ông phú hộ nghe mấy lời của Trương Mân xin, bèn thỉnh Hòa thượng đến chứng minh cho ông phát nguyện ở giữa Phật đài, rồi cách ít lâu bệnh ông lành như cũ.
Khi vừa mạnh, ông liền kêu thợ đến cất một cảnh chùa gần bên nhà ông, để cho Trương Mân ở tu hành, còn dư tiền bao nhiêu thì đem ra bố thí cho kẻ nghèo và bắt cầu đắp lộ, y như lời của ông đã nguyện.
***
Xét như chuyện niệm Phật của Trương Mân cứu chủ đã nói trên đó, thì biết pháp môn Tịnh độ dễ tu và dễ đặng, lợi cho mình và lợi cho người, thật là một pháp đứng đầu trong Phật pháp.
Nói về phần dễ tu dễ chứng, chẳng những người thượng trí tu được mà thôi, lại hạng người ngu cũng tu được nữa - chẳng những người giàu sang tu được mà thôi, lại hạng người nghèo hèn cũng tu được nữa - chẳng những người thông thả tu được mà thôi, lại hạng người bận việc cũng tu được nữa - chẳng những nhiều người xuất gia tu được mà thôi, lại hang người tu tại gia cũng tu được nữa.
Nếu đã tu được thì chắc rõ cái hiệu quả "Hiện tiền phước thọ, một hậu vãng sinh" quyết không sai chạy một mảy, dẫu cho người nào mỗi bữa niệm Phật mà tán tâm hay vọng tưởng đi nữa thì đời sau cũng được hưởng sự an lạc nơi cõi nhân thiên, chớ không bao giờ bị đọa.
Còn nói về phần lợi mình và lợi người, thì chẳng mình tự tu tự độ lấy mình mà thôi, đến khi người biết thể theo cái bi nguyện của Phật, Bồ tát, mỗi bữa sau khi niệm Phật, nếu chú nguyện cho cha mẹ, ông bà, họ hàng quyến thuộc đang hiện tại hay đã quá vãng rồi, thì phần mấy người đó sẽ được nhờ cái ảnh hưởng ấy, nếu sống thì thêm phước thêm duyên, nếu chết rồi thì cũng đặng siêu sinh về Phật quốc, Thiên đường là khác.
Bởi vậy, cho nên Trương Mân niệm Phật mà người chủ được tha tội hoàn hồn, thì đủ biết cái thần lực diệu dụng của Phật pháp thật là vô lượng vô biên.
Vậy xin ai là người đã có lòng tín ngưỡng theo pháp môn Tịnh độ, không nên lấy chỗ chưa nghe chưa thấy của mình mà cho là hoang đường, rồi khinh thị hai chữ "Niệm Phật" thì uổng lắm.
Trích: Gương Nhơn Quả
(Trích lục trong Phật học tạp chí “Từ Bi Âm”)
(Trích lục trong Phật học tạp chí “Từ Bi Âm”)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét