I. Ðịnh Nghĩa Về Tứ Diệu Ðế
Tứ là bốn; Diệu là hay đẹp, quý báu, hoàn toàn; Ðế là sự chắc chắn, rõ ràng đúng đắn nhất. Chữ Phạn là Ariya Saccani.
Tứ diệu đế là bốn sự thật chắc chắn, quí báu, hoàn toàn nhất, không có một giáo lý ngoại đạo nào có thể sánh kịp. Với bốn sự thật mà Ðức Phật đã phát huy đây, người tu hành có thể từ địa vị tối tăm, mê mờ, đi dần đến quả vị giác ngộ một cách chắc thật, không sai chạy, như một ngọn đuốc thiêng có thể soi đường cho người bộ hành đi trong đêm tối đến đích. Vì cái công dụng quí báu, mầu nhiệm, vô cùng lợi ích như thế nên mới gọi là Diệu.
Chữ Ðế còn có nghĩa là một Sự Thật lớn nhất, cao nhất, bao trùm tất cả các Sự Thật khác, và muôn đời bất di bất dịch, chứ không phải là sự thật hạn cuộc trong không gian và thời gian.
Trong giáo lý Tiểu thừa thì Tứ Diệu Đế là giáo lý căn bản.
II. TỨ Diệu Ðế Gồm Những Gì?
Tứ diệu đế là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Ðạo đế.
1. Khổ đế ( Dukkha). Khổ đế là chân lý chắc thật, trình bày rõ ràng cho chúng ta thấy tất cả những nỗi đau trên thế gian này mà mỗi chúng sinh đều phải chịu, như Sống là khổ, Ðau là khổ, Già là khổ, Chết là khổ V.V..những nỗi khổ dẫy đầy trên thế gian, bao vây chúng ta, chìm đắm chúng ta như nước biển. Do đó, Ðức Phật thường ví cõi đời là một bể khổ mênh mông.
2. Tập đế (Sameda Dukkha). Tập đế là chân lý chắc thật, trình bày nguyên nhân của bể khổ trần gian, là lý do vì đâu có những nỗi khổi ấy. Khổ đế như là bản kê hiện trạng của chứng bệnh; còn Tập đế như là bản nói rõ nguyên nhân của chứng bệnh, lý do vì sao có bệnh.
3. Diệt dế (Nirodha Dukkha). Diệt đế là chân lý chắc thật, trình bày rõ ràng hoàn cảnh quả vị an lành, tốt đẹp mà chúng sanh sẽ đạt đến khi đã diệt trừ được những nỗi khổ và những nguyên nhân của đau khổ. Diệt đế như là một bản cam đoan của lương y nói rõ sau khi người bệnh lành thì sẽ ăn ngon, ngủ yên như thế nào, thân thể sẽ tráng kiện, tâm hồn khoan khoái như thế nào.
4. Ðạo đế (Nirodha Gamadukkha). Ðạo đế là những phương pháp đúng đắn, chắc thật để diệt trừ đau khổ. Ðó là chân lý chỉ rõ con đường quyết định đi đến cảnh giới Niết Bàn. Nói một cách giản dị, đó là những phương pháp tu hành để diệt khổ và được vui.
Ðạo đế cũng như cái toa thuốc mà vị lương y đã kê ra để người bịnh mua và những lời chỉ dẫn mà bịnh nhân cần phải y theo để lành bệnh.
(Để hiểu rõ hơn xin quý đạo hữu vui lòng đọc thêm Phật Học Phổ Thông Khóa 3)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét