Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHÙA HIỆP MINH (ĐÀN TIÊN CÁI KHẾ CẦN THƠ) VỚI ĐẠO CAO ĐÀI

MỐI QUAN HỆ GIỮA CHÙA HIỆP MINH
(ĐÀN TIÊN CÁI KHẾ CẦN THƠ) VỚI ĐẠO CAO ĐÀI
Sưu tầm của Thiện Võ
I. Bối cảnh lịch sử và sự ra đời của Đàn Hiệp Minh
Vào những năm đầu của thế kỷ hai mươi, tình trạng kinh tế - xã hội Viêt Nam rất chậm phát triển. Trình độ dân trí ở mức độ hạn hẹp. Những bế tắc trong cuộc sống vật chất và tinh thần dễ đưa con người đến tín ngưỡng và tâm linh để hóa giải phần nào những ưu tư thế sự.Chính vì thế những bậc túc nho, nhân sĩ trí thức, và cả các công chức nhà nước có khuynh hướng tìm đến thế giới siêu hình qua hình thức lập đàn cầu cơ.
Các đàn tiên qui tụ những người hầu đàn gồm đủ mọi thành phần xã hội  với nhiều mục đích khác nhau. Có thể chia làm 3 nhóm chính:
1. Nhóm sĩ phu ưu thời mẫn thế: Mượn đàn cơ để hỏi việc thiên cơ nhất là vận mệnh đất nước thời Pháp thuộc. (Những đàn này thường hoạt động bí mật)
2. Nhóm mặc khách tao nhân: Mượn đàn cơ để xướng họa thi phú với các vị thần tiên, tu dưỡng tinh thần.
3. Nhóm bình dân: Gồm những người cần xin thuốc chữa bệnh, cầu thọ hoặc xa hơn nữa là tìm hiểu về việc tu dưỡng đạo đức - những đàn này phổ biến hơn cả và rất đa dạng.
Qua sự linh ứng nhãn tiền, đông đảo dân chúng đã có đức tin vào đấng siêu hình. Ở Nam kỳ, vào đầu thế kỷ hai mươi xuất hiện một số đàn như thế tại miền Tây Nam Bộ. Trong đó tiêu biểu nhất và có tổ chức chặt chẽ nổi tiếng là Đàn Hiệp Minh hay còn gọi là Đàn Tiên Cái Khế.
Đàn Tiên Cái Khế được sáng lập vào năm 1907 và chính thức ra mắt cơ sở thờ tự vào năm Tân Hợi 1911 tại Rạch Cái Khế, làng Thới Bình , tỉnh Cần Thơ.

II. Sự liên hệ giữa Đàn Tiên Cái Khế Cần Thơ với Ngài Ngô Văn Chiêu (Thánh danh Ngô Minh Chiêu) thủ lĩnh khai sáng đạo Cao Đài.
Nhìn vào hình thức tổ chức Đàn Tiên Cái Khế và Đạo Cao Đài có những điểm giống nhau nên có nhiều bà con nhầm tưởng đạo hữu Đàn Tiên là tín hữu Cao Đài và ngược lại. Điểm giống nhau đó chính là Đạo phục toàn trắng (chỉ khác ở các vị chức sắc) và đều có Đàn cơ làm kim chỉ nam cho việc tu dưỡng đạo pháp.
Và cũng chính vì tổ chức đàn cơ mà có sự liên hệ chặt chẽ giữa Đàn Tiên Hiệp Minh và Đức Ngài Ngô Minh Chiêu, người anh cả của các nhóm Cao Đài được hình thành từ năm 1920 và khai sáng vào năm Bính Dần (năm 1926).
Vốn là một công chức mẫn cán, thanh liêm, một người tín ngưỡng tu thiền và đặc biệt tin vào cơ bút, Ngài Ngô Minh Chiêu thường đến các đàn cơ nổi tiếng đặc biệt là Đàn Hiệp Minh (tức Đàn Tiên Cái Khế Cần Thơ). Năm Đinh tỵ (năm 1917) Ông đến xin hầu đàn ở Đàn Hiệp Minh để tìm hiểu về cơ bút và để xin thuốc chữa bệnh cho thân mẫu. Khi đến nơi thì đàn đã lập xong; hai đồng tử đang tiếp điển thiêng liêng – nên Ngài không dám đường đột đi vào sợ náo động chốn linh thiêng nên yên lặng chờ bên ngoài Chánh điện. Thật bất ngờ và thú vị!
Thần cơ gõ nhịp liên hồi ứng hiệu cho phép mời Ngài vào hầu đàn và đặc biệt ban cho bài thuốc và hai bài thơ lục bát ứng nghiệm với tâm thức của Ngài – Nội dung bài thơ thứ nhất như sau:
Trời còn, song biển đều còn
Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần
Thanh minh trong tiết vườn xuân
Phụng chầu, Hạc múa, gà rừng gáy reo
Đường đi trên núi dưới đèo
Lặng tìm cao thấp, phải trèo chông gai
Phận làm con thảo há nài,
Biết phương tiện Phật Bồng Lai mà tìm
Xem qua, xít lại tổ tiên,
Một bầu trời đất thanh liêm chín mười
Ngài rất tâm đắc với bài thơ giảng huấn này. Về sau Ngài xin thêm vào khổ thơ bằng bốn câu lục bát để hoàn thiện nội dung vừa làm kim chỉ nam tu học vừa là lời khấn nguyện khi hầu Đàn cầu cơ sau này:
“ Vàng trau ngọc chuốt còn tươi,
Bền long theo Phật cho người xét suy,
Phần trên vốn chẳng xa chi,
Có lòng chiêm ngưỡng nhứt thì giáng linh”
Ngài đã dành chút thời gian quý báo để luận đàm học hỏi việc tổ chức hầu đàn thỉnh cơ với các vị cao niên như: Ông Hoa Linh, Nghiêm Hòa, Chơn Từ, Khánh Nhơn, Phước Khương và nhất là vị Pháp chủ Đàn Tiên Quang Kiển để thọ pháp môn thiền định và tiếp nhận một số nghi thức phụng tửu, phụng bánh, xếp chè xôi…
Sau một thời gian dung tiên đơn được Phật ban từ đàn cơ này, bệnh tình thân Mẫu ngày càng thuyên giảm. Mãi đến năm Kỷ Mùi (năm 1919) thân mẫu của Ngài lại trở bệnh. Ngài trở lại Đàn Tiên Hiệp Minh Cần Thơ để xin hầu đàn xin thuốc với hy vọng cuối cùng. Nhưng Phật không ban thuốc mà chỉ ban cho một bài trường thiên ẩn ảo! Đến cuối năm Kỷ Mùi (năm 1919) thân Mẫu của Ngài tạ thế!
Với kiến thức tích lũy từ những đàn cơ ban đầu và nhất là những kinh nghiệm được trao dồi với các vị chức sắc cao niên ở chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế Cần Thơ), trước khi thuyên chuyển đến nhiệm sở mới tại Hà Tiên, Ngài Ngô Minh Chiêu thường lập Đàn cơ thử nghiệm tại Tân An với các nhân sĩ trí thức trong nhóm sáng lập đạo Cao Đài về sau này. Và chính trong đàn cơ đó Đức Cao Đài Tiên Ông đã xưng danh làm tiền đề cho việc khai sáng đạo Cao Đài từ giai đoạn ẩn danh (năm 1920) đến giai đoạn khai sáng chính thức và hợp pháp vào năm Bính Dần (năm 1926);
“Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh,
Đố ai biết được cái danh Cao Đài
Có thể nói Ngài Ngô Minh Chiêu là vị anh cả tiếp thu việc tổ chức đàn cơ và hữu duyên tiếp nhận Cao Đài là đấng tối cao để tôn thờ như là một tôn giáo thuần Việt Nam với triết lý tổng hòa từ Phật giáo – Lão giáo và Nho giáo.
Thực ra Cao Đài xuất hiện theo 12 hệ phái khác nhau nhưng cùng một cái gốc. Ngài Ngô Minh Chiêu là anh cả sáng lập Cao Đài Chiếu Minh có thánh thất chính tại Cần Thơ – thiên về tu luyện theo tâm pháp thiền định theo thiên hướng “nội giáo tâm truyền”. Chi phái lớn nhất và có tổ chức thật qui cũ rộng khắp quốc nội và một số nước trên thế giới có lẽ là Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đứng đầu là nhóm Cao Phạm do Ngài Cao Hoài Sang (1900-1959) và đức Hộ pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) – Nhóm này là nhóm phổ độ với tôn chỉ và mục đích “Ngoại giáo tâm truyền” ngoài ra cón có thể kể đến nhóm Cao Đài chi phái ở Bến Tre, ở Bạc Liêu…
Với một số lượ dẫn dựa vào chứng lý của các bậc Tiền vãng Chùa Hiệp Minh, chúng tôi thiết nghĩ có sự lien hệ mật thiết giữa Chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế Cần Thơ sáng lập vào năm 1911) với Đạo Cao Đài (năm 1926) nói chung và đặc biệt riêng với Ngài Ngô Minh Chiêu. Ngài Ngô Minh Chiêu lúc sinh thời cũng có lần xác lập mối quan hệ này và xem Đàn Tiên Hiệp Minh như là Tổ đình – là bước đệm để đi đến việc khai sáng đạo Cao Đài trên cả đất nước Việt nam và một số quốc gia trên Thế giới!
Ngày mồng 6 tháng 7 năm Bính Dần (năm 1926) đích thân Ông Phán Quý (là một thành viên trong nhóm sáng lập Cao Đài Chiếu Minh tại Cần Thơ gồm các Ông Tư Huỳnh, Ông Võ Văn Thơm Hiệu trưởng trường tư thục nổi tiếng Võ Văn, Ông Phán Quý và đức Ngài Ngô Minh Chiêu…) đã có dịp về bái yết Tiên Đàn Hiệp Minh để thể hiện cội nguồn tâm pháp chơn truyền. Về sau này thỉnh thoảng các phái Cáo Đài khác từ Tây Ninh, từ Miền Trung … cũng có về viếng chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế Cần Thơ).
III. Kết luận: Chúng tôi không có tham vọng phát triển rộng mở về Đàn Tiên Cái Khế và nhất là tổ chức qui củ của Đạo Cao Đài trong phạm vi một bài viết ngắn gọn này và càng không dám khinh mạng trong việc liên kết mối quan hệ giữa Đàn Tiên Hiệp Minh và Đức Ngài Ngô Minh Chiêu. Với chút thành tâm và thật ý, chúng tôi chỉ xin ghi lại một số sự kiện hữu duyên và thiện duyên nói về Chùa Hiệp Minh (Đàn Tiên Cái Khế), một cơ sở tâm linh phụng thờ Tam giáo có quan hệ chặt chẽ với việc tổ chức Đàn cơ tiếp nhận huấn thị từ các đấng thiêng liêng với sự ra đời của Đạo Cao Đài do Ngài Ngô Minh chiêu là người anh cả trong việc sáng lập.
Rất mong được tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các bậc cao niên, thiện hữu trí thức và nhất là quý Đạo hữu xuất thân từ một nguồn gốc. Xin chân thành cám ơn!
Cần Thơ ngày 31 tháng 12 năm 2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét