Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Nhân quả là gì ?

Nhân Quả 

A. Mở Ðề 
Vũ trụ, vạn vật không phải tuần hành, biến dịch một cách tự nhiên, vô lý, mà tuân theo một cái luật chung. luật đó là luật Ngài nhân quả. Luật nào không phải do một đấng nào, xẫ hội nà đặt ra, mà là một lụat thiên nhiên âm thầm, lặng lẽ, nhưng đúng đẵn vô cùng. Người đời vì không quan sát một cách kỹ càng, tường tân nên không thấy được luật ấy. Do đó, họ đã hành động một cách bừa bãi, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với bản thân mình và với người chung quanh. Và cùng chính vì thế mà họ đau khổ, lặn hụp mãi trong biển mê mờ, tội lỗi. Trái lại, Ðức Phật là vị hoàn toàn giác ngộ, đã phát huy ra cái luật nhân quả đang chi phối, điều hành mọi sự vật trong vũ trụ nầy, nên Ngài đã hành động một cách sáng suốt, lời lạc cho chính mình và chúng sanh. Vậy chúng ta là Phật tử, chúng ta cần phải hiểu biết cái luật nhân quả mà đấng từ phu đó phát huy nó như thế nào, để rồi hành động đúng theo như lời Ngài đã làm, hầu đem lại hạnh phúc chân thật, lâu bền cho mình và cho người chung quanh. 
B. Chánh Ðề 
I. Ðịnh Nghĩa:
 
"Nhân" là nguyên nhân, "Quả" là kết quả. Nhân là cái mầm. Quả là cái hạt, cái trái do mầm ấy phát sinh. Nhân là năng lực phát động, Quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp nối nhau mà có. Nếu không có Nhân thì không có Quả; nếu không có Quả thì không có Nhân.
 
Những Ðặc Tính Của Luât Nhân Quả 
1. Nhân thế nào thì quả thế ấy: 
Nếu ta muốn có quả cam thì ta phải ươm hạt giống cam; nếu ta muốn có hạt đậu thì ta phải gieo giống đậu. Không bao giờ ta trồng cam mà lại được đậu, hay trồng đậu mà lại được cam. Người học đàn thì biết đàn, người học chữ thì biết chữ. nói một cách khác, nhân với quả bao giờ cũng đồng một loại với nhau. Hễ nhân đổi thì quả cũng đổi.
 
2. Một nhân không thể sanh ra quả: 
Sự vật trong vũ trụ nầy đều là sự tổ hợp của nhiều nhân duyên. Cho nên không có một nhân nào, có thể tự tác thành kết quả được, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác. Nói rằng hạt lúa sanh ra cây lúa, là nói một cách giản dị cho dễ hiểu, chứ thật ra hạt lúa không thể sanh ra gì được cả, nếu để một mình nó giữa khoảng trống không, thiếu không khí, ánh sáng đất nước, nhân công. 
Cho nên, khi ta nghe bất cứ ai tuyên bố rằng: Mọi vật do một nhân sinh ra, hay một nhân có thể sanh ra vạn vật; ta có thể chắc chắn rằng, người ấy nói sai sự thật.
 
3. Trong nhân có quả, trong quả có nhân: 
Chính trong nhân hiện tại đã có hàm chứa cái quả vị lai; cũng chính trong cái quả hiện tại, đã có hình bóng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra cái quả mà ta mong muốn, chờ đợi. Một sự vật ta gọi là quả, là khi nó chưa biến chuyển, hình thành ra trạng thái mà ta mong đợi ước muốn. Mỗi vật, vì thế, đều có thể gọi là nhân hay quả được: đối với quá khứ, thì nó là quả, nhưng đối với tương lai thì nó là nhân. Nhân và qủa tiếp nối nhau, đắp đổi nhau như những vòng trong sợi dây chuyền.
 
4. Sự phát triển nhanh và chậm từ nhân đến quả: 
Sự biến chuyển từ nhân đến quả, có khi nhanh khi chậm, chứ không phải bao giờ cũng diễn tiến trong một thời gian đồng nhất: 
Có những nhân và xảy ra kế tiếp nhau, liền nhau, nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện, như khi vừa đánh xuống mặt trống (nhân) thì tiếng trống liền phát hiện ra (quả); hay khi hai luồng điện âm và dương vừa gặp nhau, thì ánh sáng liền bừng lên. Có khi nhân đã gây rồi, nhưng quả đợi một thời gian, quả mới hình thành, như từ khi gieo hạt giống, cho đến khi gặt lúa, cần phải có một thời gian ít nhất là bốn tháng. 
Có khi từ nhân đến quả cách nhau từng chục năm, như đứa trẻ mới cắp sách đi học đến ngày thành tài, phải qua một thời gian ít nhất là mười năm. 
Có khi cần đến một vài trăm năm, hay nhiều hơn nữa quả mới xuất hiện. Chẳng hạn như từ ý niệm giành độc lập của một quốc gia, đến khi thực hiện được nền độc lập ấy, cần phải qua bao thế kỷ. 
Vì lý do mau chậm, trong sự phát hiện cái quả, chúng ta không nên nóng nẩy hấp tấp, mà cho rằng cái luật nhơn quả không hoàn toàn đúng, khi thấy có những cái nhân chưa phát sinh ra quả.
 
Phân Tích Hành Tướng Của Nhân Quả Trong Thực Tế
 
Như các đoạn trên đã nói, nhân quả chi phối tất cả vũ trụ vạn hữu, không có một vật gì, sự gì, động vật hay thực vật, vật chất hay tinh thần, thoát ra ngoài luật nhân quả được. Ở đây, để có một quan niệm rõ ràng hơn về luật nhân quả, chúng ta hãy tuần tự phân tích hành tướng của nhân quả trong mọi sự vật:
 
1. Nhân quả có trong những vật vô tri vô giác: 
Nước bị lửa đốt thì nóng, bị gió thổi thì thành sóng, bị lạnh thì đông lại. Nắng lâu ngày thì đại hạn, mưa nhiều thì lụt, gió nhiều thì sanh bão.
 
2. Nhân quả trong loài thực vật: 
Hạt cam thì sanh ra cây cam, cây cam thì sanh trái cam. Hạt ớt thì sanh ra cây ớt, cây ớt thì sanh ra trái ớt. Nói một cách tổng quát, giống ngọt thì sanh trái ngọt, giống chua thì sanh trái chua, giống nào thì sanh quả ấy.
 
3. Nhân quả trong các loài động vật: 
Loài chim sanh ra trứng, nên chúng ta gọi trứng là nhân, chờ khi ấp nở thành con là quả; con chim ấy trở lại làm nhân, sinh ra trứng là quả. 
Loài thú sanh con, con ấy là quả. Con thú lớn lên, trở lại làm nhân sanh con là quả.
 
4. Nhân quả nơi con người: 
Về phương diện thể chất: Thân tứ đại là do bẩm thụ huyết của cha mẹ, và do hoàn cảnh nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ và hoàn cảnh là nhân, người con trưởng thành là quả, và cứ tiếp nối như thế mãi, nhân sanh quả, quả sanh nhân, không bao giờ dứt. 
Về phương diện tinh thần: Những tư tưởng và hành vi trong quá khứ, tạo cho ta những tánh tình tốt hay xấu, một nếp sống trong hiện tại: tư tưởng và hành động quá khứ là nhân, tánh tình nếp sống tinh thần trong hiện tại là quả. Tánh tình và nếp sống này là nhân, để tạo ra những tư tưởng và hành động trong tương lai là quả. 
Ðể nhận rõ cái phần tinh thần quan trọng nầy, chúng ta hãy dành riêng ra một mục, để đặt biệt chú ý đến hành tướng của nó dưới đây.
 
II. Nhân Quả Về Phương Diện Tinh Thần
  
1. Nhân quả của tư tưởng và hành vi không tốt: 
Tham: Thấy tiền của người, nổi lòng tham lam sanh ra trộm cắp, hoặc giết hại người là nhân; bị chủ đánh đập hoặc đâm chém, phải tàn tật, hay bị nhà chức trách bắt giam trong khám đường, chịu những điều tra tấn, đau khổ là quả. 
Sân: Người quá nóng giận, đánh dập vợ con, phá hoại nhà cửa, chém giết người không gớm tay là nhân; khi hết giận đau đớn, nhìn thấy vợ con bịnh hoạn, nhà cửa tiêu tan, luật pháp trừng trị, phải chịu nhiều điều khổ cực là quả. 
Si mê: Người say mê sắc dục, liễu ngõ hoa tường, không có biết sự hay dở, phải trái là nhân; làm cho gia đình lủn củn, thân thể suy nhược, trí huệ u ám là quả. 
Nghi ngờ: Suốt đời cứ nghi ngờ việc nầy việc khác, ai nói gì cũng không tin, ai làm gì cũng không theo, đó là nhân; kết cuộc không làm nên được việc gì cả, đến khi lâm chung, buông xuôi hai bàn tay trắng đó là quả. 
Kiêu mạn: Tự cho mình là hơn cả, khinh bỉ mọi người, chà đạp lên nhân phẩm người chung quanh, là nhân; bị người ghét bỏ, xa lánh, sống một đời lẻ loi, cô độc là quả.
Nghiện rượu trà: chung quanh tiện bạc ăn nhậu cho thỏa thuê là nhơn; đến lúc say sưa chén bát ngổn ngang, ghế bàn nghiêng ngả nhiều khi gây ra chém giết nhau làm những điều tội lỗi, phải bị phạt vạ và tù tội là quả. 
Say mê cờ bạc: Thấy tiền bạc của người muốn hốt về mình, đắm đuối quanh năm, suốt tháng theo con bài lá bạc, là nhân; đến lúc của hết nhà tiêu, nợ nần vây kéo, thiếu trước hụt sau, thâm quỹ thụt két là quả. 
 
2. Nhân quả của tư tưởng và hành vi tốt: 
Như trên chúng ta đã thấy, những tư tưởng hành vi xấu xa tạo cho con người những hậu quả đen tối, nhục nhã, khổ đau như thế nào, thì những tư tưởng và hành vi đẹp đẽ tạo cho con người những hậu quả sáng lạng, vinh quanh và an vui như thế ấy. 
Người không có tánh tham bỏn sen, thì tất không bị của tiền trói buộc, tâm trí được thảnh thơi. Người không nóng giận, tất được sống cảnh hiền hòa, gia đình êm ấm; người không si mê theo sắc dục, thì tất được gia đình kính nể, trí huệ sáng suốt, thân thể tráng kiện; người không hay ngờ vực, có đức tin, thì hăng hái trong công việc, được người chung quanh tin cậy, dễ thành tựu trong đời; người không ngạo mạn thì được bạn bè quí chuộng, niềm nở đón tiếp, tận tâm giúp đỡ khi mình gặp tai biến. Người không rượu chè, cờ bạc thì không đến nỗi túng thiếu, bà con quen biết kình nể, yêu vì...Những điều nầy, tưởng không cần phải nói nhiều, quí đọc giả cũng chán biết. Hàng ngày quanh chúng ta, những cảnh tượng nhân và quả ấy, diễn ta không ngớt, chỉ cần giở tờ báo hàng ngày, đọc các mục tin tức là thấy ngay. 
Nói một cách tổng quát, về phương diện tinh thần cũng như về vật chất, người ta gieo thứ gì, thì gặp thứ ấy. Người Pháp có câu: Mỗi người là con đẻ của công nghiệp mình

III
. Lợi Ích Ðem Lại Cho Chúng Ta Do Sự Hiểu Biết Và Áp Dụng Luật Nhân Quả.
 
1. Luật nhân quả tránh cho ta những mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền: 
Luật nhân quả cho chúng ta thấy được thực trạng của sự vật, không có gì mơ hồ, bí hiểm. Nó vén tất cả những cái gì đen tối, phĩnh phờ của mê tín dị đoan, đang bao trùm sự vật. Nó cũng phủ nhận luôn cái thuyết chủ trương Vạn vật do một vị thần sinh ra, và uy quyền thưởng phạt muôn loài. Do đó, người hiểu rõ luật nhân quả sẽ không đặt sai lòng tin tưởng của mình, không cầu xin một cách vô ích, không ỷ lại thần quyền, không lo sợ hoang mang.
 
2. Luật nhân quả đem lại lòng tin tưởng vào chính con người: 
Khi đã biết cuộc đời của mình do nghiệp nhân của mình tạo ra, mình là người thợ tự xây dựng đời mình, mình là kẻ sáng tạo, mà không tin tưởng ở mình thì còn tin tưởng ở ai nữa? Lòng tự tin ấy là một sức mạnh vô cùng quý báu, làm cho con người dám hoạt động, dám hy sinh hăng hái làm điều tốt. Vì những hành động tốt đẹp ấy, họ biết sẽ là những cái nhân quý báu, đem lại những kết quả đẹp đẽ.
 
3. Luật nhân quả làm cho chúng ta không chán nản, không trách móc: 
Người hay chán nản, hay trách móc là vì đã có thói quen ỷ lại ở kẻ khác, là vì hướng ngoại. Nhưng khi đã biết mình là động lực chính, là nguyên nhân chính của mọi sự thất bại hay thành công, thì còn chán nản trách móc ai nữa? Ðã biết mình là quan trọng như thế, là chỉ còn lo tự sửa mình, thôi gieo nhân xấu, để khỏi phải gặt quả xấu, tránh tạo giống ác để khỏi mang cái ác. 
 
IV. Quyết Nghi 
 
1. Có người nghĩ rằng: Nhân quả là một luật tự nhiên rất đúng đắn công bằng, sao có người cả đời hiền từ mà lại gặp lắm tai nạn khổ sở; trái lại, những người hung ác, sao lại vẫn được an bình ? 
Ðáp: Những đọan trên đã nói, thời gian tiến triển từ nhân đến quả, có khi nhanh khi chậm, chứ không phải khi nào cũng đồng nhau. Có cái nhân từ đời nay, đến đời sau mới hình thành quả v.v... 
Vậy nếu có người trong đời hiện tại làm việc hung ác, mà được an lành, là do kiếp trước họ tạo nhơn hiền từ. Còn cái nhơn hung ác, mới tạo trong đời nay, thì tương lai hay qua đời sau, họ sẽ chịu quả báo. Cũng như có người năm nay ăn chơi, không làm gì hết, mà vẫn no đủ, là nhờ năm rồi họ có làm, có tiền của để dành vậy. Còn cái nhân ăn chơi không làm năm nay, thì sang năm họ sẽ chịu quả đói rách. 
Còn người đời nay hiền từ, làm các điều phước thiện, mà vẫn gặp tai nạn, khổ sở, là do đời trước, họ tạo những nhơn không tốt. Cái nhơn hiền từ đời nay, qua đời sau họ sẽ hưởng quả vui. Cũng như có người tuy năm nay siêng năng làm ruộng, mà vẫn thiếu hụt, là vì nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay, sang năm sau họ sẽ hưởng quả sung túc. Do đó, Cổ nhân có nói: 
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo, 
Chỉ danh lai tảo dữ lai trì 
(Việc lành hay việc dữ đều có quả báo, chỉ khác nhau đến sớm hay muộn mà thôi)
 
2. Có người hỏi: Theo luật nhân quả thì làm nấy chịu: cha làm tội, con không thể thay thế được; con làm tội, cha không thể thay thế được. Sao thấy có những việc: cha làm con phải chịu liên can, con làm cha phải chịu ảnh hưởng? 
Trả lời: Trong kinh Phật dạy: Nhân quả nghiệp báo có hai thứ: Biệt nghiệp và Cộng nghiệp. 
Biệt nghiệp là nghiệp báo riêng của mỗi chúng sanh, như mình có học nhiều thì mình biết nhiều, mình ăn thì mình no, mình siêng năng thì mình dễ thành công, mình nhác lười thì mình thất bại. 
Cộng nghịêp là nghiệp chung cho nhiều chúng sinh; cùng sống trong một hoàn cảnh. Như người Việt Nam, sống trên mảnh đất chữ S nầy trong giai đoạn chiến tranh Việt Pháp vừa qua, thì dù giàu, dù nghèo, dù trí thức, dù bình dân, đều chịu ảnh hưởng chung của chiến tranh; như sanh ở một nước tiên tiến, thì mọi người đều tương đối được hưởng một đời sống vật chất đầy đủ hơn ở một nước bán khai. Ðã sanh chung một gia đình, một xứ sở hay một dân tộc, cố nhiên cái nghiệp quả phải có liên quan với nhau. Sách có câu: 
Nhất nhơn tác phước, thiên nhơn hưởng, 
Ðộc thọ khai hoa, vạn thọ hương. 

(Một người làm phước, ngàn người đều được ảnh hưởng; một cây trổ hoa, muôn cây chung quanh đều được thơm lây). 
 
C. Kết Luận: 
Chúng ta đã biết giá trị của luật nhân quả, vậy chúng ta nên đem bài học nầy ra áp dụng vào mọi công việc hằng ngày của chúng ta. Khi chúng ta làm một việc gì, nói một lời gì, cũng nên nghĩ trước kết quả tốt hay xấu của nó, chứ đừng làm liều, nói liều, rồi phải chịu hậu quả đau khổ, nhục nhã trong tương lai. Nếu chúng ta làm được như thế, thì chúng ta sẽ thấy tánh tình và hành vi của chúng ta, mỗi ngày mỗi cải tiến, các việc sai quấy sẽ giảm bớt, các việc lành càng thêm tăng trưởng. Và do sự gieo nhân toàn thiện đó, từ địa vị người, chúng ta có thể tiến dần lên đến quả vị thánh hiền, siêu nhân.

(theo Phật học phổ thông khóa 2) 

Luân hồi là gì ?

Luân Hồi
  
A. Mở Ðề: 
Vấn đề mất cón, sống chết là một vấn đề vô cùng quan trọng, từ xưa đến nay đã làm băn khoăn, thắc mắc không biết bao nhiêu người, đã làm hao tổn không biết bao nhiêu giấy mực. tựu trung, có hai thuyết làm cho người ta chú ý đến nhiều nhất: 
Một thuyết cho rằng, loài người cũng như loài vật, một lần chết là mất hẳn, không còn gì tồn tại sau đó nữa: "Cát bụi, con người trở về với cát bụi" 
Một thuyết chủ trương trái lại: loài người chết đi, nhưng linh hồn vẫn vĩnh viễn còn lại, để lên thiên đàng, thọ hưởng mãi mãi những sự khoái lạc, an vui, hay xuống địa ngục chịu cực hình mãi mãi. 
Hai thyết trên nầy đều không đúng với sự thật: 
Chết rồi, không thể là hoàn toán mất hẳn được, vì như chúng ta ở đời nầy, không có vật gì là mất hẳn. Cho đến một hạt cát, một mảy lông cũng không thể mất hẳn, huống là cái thân hay biết nơi con người. 
Nhưng bảo rằng linh hồn thường còn, ở mãi trên thiên đàng hay dưới địa ngục cũng không đúng. Sự nhận xét thông thường cũng đủ cho người ta nhận thấy rằng: trong vũ trụ không có một cái gì có thể vĩnh viễn ở yên một chỗ, mà trái lại, luôn luôn biến đổi và xê dịch. Vả lại, có gì bất công hơn là chỉ vì những cái nhân đã gieo trong một đời hiện tại ngắn ngũi, mà phải chịu cái quả vĩnh viễn tốt hay xấu trong tương lai? 
Hai thuyết "chấp đoạn" và "chấp thường" trên nầy đều bị đạo Phật bác bỏ. Theo giáo lý đạo Phật thì chúng sanh không phải đoạn diệt, cũng không phải thường còn, mà là quay lộn trong cảnh sanh tử Luân hồi.
 
B. Chánh Ðề: 
 
I. Ðịnh Nghĩa: 
Luân hồi dịch ở chữ Samsera trong tiếng Phạn. Theo chữ Hán thì Luân là bánh xe; Hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rõ ràng mà Phật đã dùng để hình dung sự xoay chuyển, lên xuống, xuất hiện của mỗi chúng sanh trong sáu cõi (lục đạo) khi đầu thai ở cõi nầy, khi ở cõi khác, luôn luôn tiếp nối tử sanh, sanh tử không ngừng, như bánh xe lăn. Luân hồi là một thuyết có thể chứng nghiệm được, chứ không phải hoang đường. 
Khi chúng ta đã công nhận luật nhân quả, thì chúng ta cũng không thể từ chối, không công nhận sự Luân hồi, vì Luân hồi chẳng qua là nhân quả liên tục, nhưng vì nó khi biến, khi hiện, khi lên, khi xuống, khi mất, khi còn, khi thay hình đổi dạng, nên chúng ta tưởng như gián đoạn và không ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau đó thôi.
 
II. Sự Luân Hồi Trong Mọi Sự Vật Và Người  
Trong vũ trụ tất cả sự vật, từ vật nhỏ như hạt bụi, đến lớn như quả địa cầu, không vật nào chẳng Luân hồi.
 
1. Ðất Luân hồi: 
Như cái bình bông đang ở trước mặt chúng ta đây, trước kia nó là đất, người thợ gốm đem nó nhồi nắn làm thành cái bình, trải qua một thời gian, cái bình sẽ bị bể nát, tan thành cát bụi và trở về lại trạng thái đất cát. Ðất cát nầy lại làm thức ăn cho cây cỏ; cây cỏ hoặc tàn rụi, sau một thời gian, để trở thành phân bón cho cây khác, hoặc làm thực phẩm cho động vật. Ðộng vật ăn cây cỏ nầy vào, hoặc bài tiết ngay ra ngoài để thành phân, thành đất, hoặc biến thành máu huyết, da thịt để một ngày kia thân thể động vật già yếu, sẽ tan rã thành đất cát lại. Bao nhiêu lần thay hình đổi dạng, vì nhân duyên nầy hoặc nhân duyên khác, nhưng đất cát, nó cũng lại trở thành đất cát sau một thời gian, một vòng luân chuyển dài hay ngắn.
 
2. Nước Luân hồi: 
Nước ở biển, bị sức nóng mặt trời bốc thành hơi; hơi bay lên không, gặp hơi lạnh biến thành mây; mây nhiều tụ lại rơi xuống thành mưa; mưa chảy xuống ao hồ, hoặc gặp hơi lạnh quá, đọng lại thành băng thành giá. Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan ra thành nước lại. Từ vô thỉ đến nay, nước thay đổi trạng thái biết bao nhiêu lần, xoay vần mãi mãi như vậy, nhưng nước vẫn là nước. Hiện tượng của nước thì biến đổi vô cùng, bản thể của nước thì không bao giờ mất. Nó chỉ Luân hồi mà thôi.
 
3. Gió Luân hồi: 
Gió là sự luân chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng mặt trời bốc cháy. giãn ra, bốc lên cao làm thành những khoảng trống. Ðể bù vào những khoảng trống ấy, không khí ở các nơi khác chạy tới điền vào, gây thành luồng gió. Không khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, không khí xê dịch nhanh thì gió lớn. Xê dịch nhanh nữa thì thành bão. Gió có khi hiu hiu, khi thoang thoảng, khi hây hây, khi ào ào, khi cuồng bạo, nhưng bản chất của nó bao giờ cũng là không khí.

4. Lửa Luân hồi: 
Lửa là một sức nóng làm cháy được vật. Khi đủ nhân duyên thì sức nóng phát ra lửa. Chẳng hạn hai thanh củi trong trạng thái bình thường thì chúng ta chẳng thấy sức nóng, ở đâu cả, nhưng khi chà xát vào nhau một hồi, thì lửa liền bật lên. Ngọn lửa nầy có thể đốt hai thanh củi kia, và hai thanh củi nầy một phần hóa thành tro than, một phần biến thành thán khí. Những cây khác dùng rễ mình để thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để một ngày kia, gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy lên. Như thế, sức nóng bao giờ cũng có sẵn, nhưng khi thì nó ở trạng thái tiềm phục, khi thì ở trạng thái phát hiện. Mắt chúng ta chỉ thấy khi nó phát hiện, và chỉ khi ấy mới cho là nó có, còn khi nó ở trạng thái tiềm [hục thì ta bảo là nó không có. thật ra thì nó chỉ Luân hồi qua những trạng thái khác nhau, chứ không phải dứt đoạn hay mất hẳn.
 
5. Cảnh giới Luân hồi: 
Trong khinh Phật thường nói: Thế giới nhiều như cát sông Hằng. Thật thế, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng hà sa số tinh tú. Mỗi tinh tú là một thế giới. và mỗi thế giới ấy đều không thoát ra ngoài định luật chung là Thành, Trụ, Hoại, Không. Mỗi phút giây nào cũng có sự sanh diệt của thế giới. Thế giới nầy tan đi, thì thế giới khác nhóm lên, như một làn sóng nầy mất đi thì một làn sóng khác nổi lên, làm nhân làm quả, tiếp nối cho nhau, Luân hồi không bao giờ dứt.
 
6. Thân người Luân hồi: 
Thân người, hay thân thú vật cũng thế, xét cho cùng thì cũng do tứ đại mà có là đất, nước, gió, lửa. Những chất cứng dẽo như da thịt gân xương là thuộc về Ðất; những chất đượm ướt như máu, mỡ, mồ hôi, nước mắt, là thuộc về Nước; hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân cử động là thuộc về Gió; hơi nóng trong người là thuộc về Lửa. Như trên chúng ta đã thấy, tứ đại đều Luân hồi, thì thân người do tứ đại mà có, cũng phải Luân hồi theo. Khi thân nầy chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng dẽo trả về cho Ðất; chất đượm ướt trả về cho nước; hơi nóng trả về cho Lửa; hơi thở và sự cử động trả về cho Gió. Rồi bốn chất nầy tùy theo duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Người khác đến khi chết rồi, bốn chất đó trở về bản thể cũ của chúng. Khi thành thân người, lúc làm thân súc, năm nay tụ hợp ở đây, sang năm đã dời đi nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn, mà là Luân hồi. 
Nhà Học giả tiếng tăm của Trung Hoa là ông Lương Khải Siêu có nói, trong khi nghiên cứu về Phật Giáo Ấn Ðộ:"...Con người luôn luôn, trong từng phút giây đều ở trong Luân hồi, bất quá hoặc mau hoặc chậm. Chậm thì gọi là sanh diệt hoặc biến dị, còn mau thì gọi là Luân hồi" (Luân hồi chẳng qua cũng là một hình thức trong các loại biến dị). Xem như xác thân chúng ta, biến hóa không ngừng, xương thịt máu huyết chúng ta, chẳng qua không đầy một tuần, cũng rất có thể hóa ra đất bụi bên đường."
 
7. Tinh thần Luân hồi: 
Con người không phải chỉ gồm có tứ đại. Ngoài tứ đại, còn có phần tâm lý nữa, hay nói một cách tổng quát hơn, còn có tinh thần. Ðó là gồm tất cả những thứ mà đạo Phật gọi là: Thọ, tưởng, hành, Thức. Phần thể xác gồm tứ đại chỉ là phần mà đạo Phật gọi là Sắc. Sắc đã không tiêu diệt mà chỉ biến hóa Luân hồi, thì Tâm hay Tinh thần, cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần mà thôi. 
Như trong chương II đã nói, tất cả những hành động của thân tâm tạo thành cho mỗi chúng ta một cái nghiệp. Cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần mãi, khi đội lớp nầy khi mang hình dáng khác, khi rời cảnh giới nầy, khi vào cảnh giới khác, quanh lộn trôi lăn trong lục đạo (sáu đường) mãi mãi cho đến ngày nào được giác ngộ mới thôi. 
Nhưng sự lên xuống, trôi lăn, xoay vần của nghiệp trong ba cõi sáu đường ấy, không phải tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi, vô lý, mà trái lại, nó theo một cái định luật chung, đó là luật Nhơn quả. Ðến đây, chúng ta thấy được sự tương quan mật thiết giữa nhơn quả và Luân hồi. Ðã có Nhơn quả, tức phải có Luân hồi (trừ trường hợp tu nhơn giải thoát); đã có Luân hồi phải tuân theo luật Nhơn quả.
 
III. Luân Hồi Theo Luật Nhân Quả Qua Sáu Cõi 
 
Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sanh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp lực dắt dẫn tinh thần đến chỗ nó thọ báo không sai. nếu tạo nhân tốt, thì Luân hồi đến cảnh giới giàu sanh, thân người tốt đẹp. Còn tạo nhân tội ác, thì Luân hồi đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa, tàn tật, sự nghiệp khi thăng khi giáng, lúc thạnh lúc suy. 
Sau đây là những cảnh giới mà một chúng sinh có thể bị hay được nhập vào, tùy theo nghiệp nhân mà mình tạo:
 
1. Ðịa ngục: Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người, phải Luân hồi vào địa ngục, chịu đủ điều khổ sở. 
2. Ngạ quỷ: Nhân tạo tham lam, bỏn sẻn, không biết bố thí, giúp đỡ người, từ tiền của đến giáo pháp. Trái lại, còn mưu sâu, kế độc, để cướp đoạt của người, sau khi chết, Luân hồi làm ngạ quỷ. 
3. Súc sanh: Tạo nhân si mê sa đọa theo thất tình, lục dục, tửu sắc, tài khí, không xét hay dỡ, tốt xấu, chết rồi, Luân hồi làm súc sanh. 
4. A Tu La: gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sai quấy cũng không tránh, vừa cang trực, mà cũng vừa độc ác. mặc dù có làm những điều phước thiện, nhưng tánh tình hung hăng nóng nảy vẫn còn, lại thêm tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ Luân hồi làm A Tu La, gặp vui sướng cũng có, mà buồn khổ cũng nhiều. 
5. Loài người: Tu nhân Ngũ Giới: Không sát hại, không trộm cướp, không tà dâm, không dối trá, không rượu trà say sưa, thì đời sau trở lại làm người, cao quý hơn muôn vật. 
6. Cõi trời: Bỏ mười điều ác tu nhơn Thập thiện (bài sau sẽ nói rõ) thì sau khi chết, được sanh lên cõi trời. Nhưng nên nhớ cõi trời nầy cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sanh tử, Luân hồi. 
Muốn thoát ra ngoài cảnh giới sanh tử Luân hồi, và đến bốn cõi Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, và Phật, thì phải tu nhân giải thoát.
 
IV. Vài Bằng Chứng Về Luân Hồi: Một Chuyện Luân Hồi Ở Ấn Ðộ 
 
Cách đây vài chục năm, tờ báo Mai có chụp hình và đăng một câu chuyện như sau: 
Tại Ấn độ, ở thành Delhi (đen li) có một cô gái 8 tuổi tên Phatidevin (Pha ti đơ vanh). Cô gái đã nhiều lần khóc lóc với cha mẹ đòi về thành Mita thăm chồng là một giáo viên. Thành Delhi cách thành Mita trên 200 cây số. Cha mẹ cô gái lấy làm lạ, mời một phóng viên nhà báo đến, để nhờ anh điều tra giùm. 
Phóng viên nhà báo đến hỏi, thì được cô cho hay rằng: Cô là vợ của một giáo viên, ăn ở với nhau sanh được một đứa con. Khi đứa con lên 11 tuổi, thì cô lâm bịnh và từ trần. Người phóng viên hỏi xem cô ta, có cái gì làm bằng chứng không. Cô trả lời cô có để lại vàng bạc và đồ đạc chôn ở chỗ nọ chỗ kia...Và cô còn nhớ rõ có một cái quạt, do người chị em bạn tặng, trên quạt có ghi lại mấy dòng chữ, rồi cô đọc mấy dõng chữ ấy cho phóng viên chép vào sổ tay. 
Phóng viên liền đến thành Mita, tìm hỏi tên họ ông giáo viên, thì thật quả không sai. Phóng viên hỏi ông giáo: 
Ông có người vợ chết độ 8,9 năm nay phải không? 
Ông giáo trả lời: 
Vâng, có ! Vợ tôi chết nay đã chín năm. Chảng biết ông hỏi có việc chi? 
Phóng viên trình bày những lời cô bé đã nói. 
Ông giáo nghe đều cho là đúng cả. 
Phóng viên lại lấy quyển sổ tay đưa mấy dòng chữ cho ông giáo, đọc và hỏi: 
Khi vợ ông mất, có để lại một cây quạt, trên ấy có ghi mấy dòng chữ như thế này có phải không? 
Ông giáo trả lời: 
T
rúng y như vậy cả ! 
Qua ngày sau, phóng viên lại mời cha mẹ và cô Phatidevin cùng đi tới thành Mita. từ khi sanh ra đến tám tuổi, cô chưa từng đi xa, thế mà đường đi đến thành Mita, cô đều thuộc cả, cô chỉ đường nầy là đường gì, đi về đâu, đường kia tên gì, đi về đâu, và còn nói trúng cả tên những nhà quan ở hai bên đường nữa. gần đến nhà ông giáo, cô bảo xe đi chậm lại và dừng ngay trước nhà ông giáo. 
Vào đến nhà, gặp ông già độ 80 tuổi, đầu tóc bạc phơ, cô vừa mừng vừa khóc òa mà nói rằng: 
Ðây là cha chồng tôi. 
Cô chỉ ông giáo mà nói: 
Kia là chồng tôi. 
Rồi chạy lại ôm đứa con mà khóc và nói: 
Ðây là con tôi. 
Mọi người trông thấy ai cũng lấy làm ngạc nhiên và cảm động ! 
Việc này làm sôi nổi dư luận Ấn độ và các báo trên thế giới đều bàn tán xôn xao. Các nhà Bác học ra sức tìm tòi nghiên cứu, nhưng không sao giải thích được. Chúng ta đã rõ biết lý Luân hồi, thì việc này cũng chẳng lại gì.
 
Một Chuyện Luân Hồi Ở Mỹ  
vào khoảng năm 1956, ở Mỹ có một thiếu phụ 33 tuổi, tên Xi Mông (Ruth Simmons) vì quá tin tưởng có kiếp Luân hồi nên cô đã nhờ nhà thôi miên Mô rây Bét tanh (Morey Bernstein) giúp, được thấy lại kiếp trước của cô. Nhà thôi miên kia, sau khi đưa cô vào giấc ngủ, liền bảo: 
Thử nhớ lại hồi 10 tuổi, cô đã làm gì? 
Cô Xi Mông, trong cơn mê, nói lại thuở thiếu niên của cô, những lúc cô đi học và tả tỉ mỉ những lúc cô nô đùa với bạn. Nhà thôi miên lại bảo:   
Bây giờ thử nhớ lại lúc cô 1 tuổi, cô thấy gì? 
Cô trả lời bằng những tiếng bập bẹ y như đứa trẻ chưa biết nói. Nhà thôi miên lại dồn hết tinh thần vào cặp mắt, nhìn thẳng vào mặt cô Xi Mông và nói: 
Thử nhớ lại tiền kiếp của cô? 
Sau một lúc im lặng, cô Xi Mông mới nói, nhưng giọng nói của cô đã đổi khác, giọng Ái Nhĩ Lan (ở Anh Quốc), chứ không phải giọng người Mỹ. 
Cô kể lại rằng:"Kiếp trước cô đầu thai vào gia đình họ "Mướt phi" (Murphy) ở làng "Cót" (Cork) bên Ái Nhĩ Lan vào năm 1898. Cô tả nơi chôn nhau cắt rún của cô và cho biết nhiều chi tiết về làng này. Cô nói thêm rằng chồng cô tên "Mắc Các Ty" (Brian Mac Carthy), giáo sư trường luật đã từng cộng sự với tờ báo "Ben phát niu" (Belfast News). Rồi sau cùng cô nói đến ngày cô chết, mả cô hiện ở đâu, và cô phải làm ma hơn một thế kỷ. Sau đó, cô đầu thai vào gia đình họ "Xi Mông" (Simmons) ở Mỹ hồi năm 1923. 
Nhà Thôi miên đã thâu tất cả lời nói của Xi Mông về tiền kiếp của cô, và sau đó viết một quyển sách nhan đề là: Ði tìm gốc tích cô Mướt phi (Murphy). Sách này in ra 170 ngàn cuốn, và chỉ trong ba tháng đã bán sạch. Sau đó, nhà Thôi miên lại lấy lời thuật chuyện của cô Xi Mông thâu vào ba mươi ngàn (30.000) dĩa nhựa và chỉ trong hai ngày đã bán sạch. 
Chuyện này báo chí quốc tế có đăng tin, riêng ở Pháp có tờ "Ba ri Mách" (Baris Math) thuật lại rất rõ; ở Việt Nam cũng có nhiều tờ báo nói đến, như tờ Tin Ðiển, tờ Liên Hoa v.v... 
 
Một Câu Chuyện Thay Nghiệp Ðổi Xác Ở Việt Nam 
Ở Cà Mau cách đây vào khoảng 30 năm, có một câu chuyện lạ lùng đã làm dư luận bàn tán xôn xao: 
 Ông Cả Hiêu, ở làng Tân Việt, xứ Ðầm Dơi (Cà Mau) có cô gái 19 tuổi, lâm bịnh rồi chết. Cách đó độ 100 cây số, ông Hương Thừa ở làng Vĩnh Mỹ (Bạc Liêu) cũng có cô con gái đau rồi chết, nhưng lại sống lại. Khi sống lại, cô nầy nhìn không biết cha mẹ và nói chuyện đâu đâu, không ai hiểu gì cả. Cha mẹ cô tưởng rằng, vì cô đau nên lãng trí nói bậy. Nhưng khi cô lành mạnh hẳn, cô lại khóc lóc, một hai đòi về nhà ông Cả Hiêu và chỉ cả nơi ở, làng tổng rõ ràng nữa. 
Cha mẹ cô cho người đến tìm ông Cả Hiêu và thuật câu chuyện cho vợ chồng ông này nghe. Vợ chồng con cái ông Cả nghe xong, đều đi đến xem thật hư như thế nào. 
Khi mọi người đến nơi, cô gái chạy ngay đến ôm ông Cả, bà Cả khóc kể...Rồi cô thuật những chuyện đã xảy ra trong nhà ông Cả, không sai một mảy. Vợ chồng ông Cả, tuy thấy xác cô gái này không phải con mình, nhưng về tinh thần lại chính là con họ, nên đều thương yêu và công nhận là con. Về sau, cô hưởng được hai phần gia tài của cải, cả hai bên cha mẹ.
 
V. Quyết Nghi 
1. Có người hỏi: Nếu có luân hồi, thì khi chết rồi, một người chỉ sanh lại một người thôi, tại sao trên thé giới nầy, khi mới khai thiên lập địa, chưa có người, mà cứ mỗi ngày nhân loại cứ thêm đông? Vậy do đâu mà có nhiều người thế? 
Trả lời: Trong đoạn trước, chúng tôi đã nói: chúng sinh luân hồi trong sáu cảnh giới là Thiên, Nhơn, A tu la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Ðịa ngục, và một chúng sanh ở cảnh giới này, có thể đầu thai qua cảnh giới khác, đắp đổi cho nhau, khi lên khi xuống, chứ không phải chỉ có người mới đầu thai làm người mà thôi. Những loài thú có những tâm trạng gần giống người, có thể đầu thai làm người được, cũng như những người, có tâm trạng lang sói, sẽ trở thành lang sói. 
Hơn nữa, trong đoạn trước, chúng ta cũng đã thấy, trong kinh Phật có chép: thế giới trong vũ trụ nầy nhiều như cát sông Hằng, chứ đâu phải chỉ một quả đất nầy là trung tâm điểm của vũ trụ, và mới con người? Các nhà bác học cũng công nhận mỗi ngôi sao là một thế giới, trong hằng hà sa số thế giới ấy, có biết bao nhiêu là thế giới có hoàn cảnh giống như quả đất nhỏ bé chúng ta đang ở đây ! Thế giới đã nhiều như thế, thì nhân loại đâu phải ít? Tại sao chúng ta không thể tin được rằng: thế nào cũng có sự luân chuyển, sự lưu thông, sự trao đổi về phương diện tinh thần, về cái nghiệp giữa thế giới khác? Mỗi một thế giới sặp hoại, thì chúng sinh ở thế giới ấy sẽ di cư đến thế giới khác, gần đó. Trong kinh Ðịa Tạng có chép: 
"Thử thế giới hoại thời, hoàn ký tha phương.."( thế giới nầy hoại, gởi qua thế giới khác, thế giới khác hoại, lại gởi đến thế giới khác nữa...). Như châu thành Saigon hiện nay, dân số rất đông, là do người ở các tỉnh đến. Khi giặc yên, dân chúng lại trở về các tỉnh, thì dân số Saigon tự nhiên bớt. Nên nhiều hay ít là do số dân ở các nơi tựu đến, hay tan đi. Trong thế giới hiện nay nhân loại nhiều hay ít cũng như vậy. 
2. Có người hỏi: Người và thú vật hoàn toàn khác nhau, làm sao người có thể tái sanh thành thú vật và thú vật thành người được? 
Trả lời: Người ta thường có quan niệm sai lầm rằng, người có linh hồn người, thú vật có linh hồn thú vật. Linh hồn người hay linh hồn thú vật đều bất biến, dù chết hay sống. Vì tưởng tượng như thế, nên người ta không thể công nhần rằng: chết rồi, linh hồn người trở lại chui vào thân hình chó, mèo chẳng hạn, và hồn chó mèo lại có thể vào nằm trong lốt thân hình người ta. 
Thật ra, nghiệp không phải là linh hồn, mà là một năng lực có nhuốm tính chất những hành động của mỗi chúng sinh. Vì tính chất riêng biệt ấy, mà nghiệp lực nhập vào một hình thức nầy hay một hình thức khác, do cái luật hấp dẫn, (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). 
Thay vì nói người kia trở thành thú, hay trái lại, thú kia trở thành người, đúng hơn, nên nói: Nghiệp lực phát hiện dưới hình thể người hay dưới hình thể thú !"(Narada Maha Théra).
 
C. Kết Luận: 
Giáo lý luân hồi đem lại cho chúng ta nhiều điều lợi ích: 
Nó phá "đoạn kiến" sai lầm, làm cho con người đâm ra chán nản, vì nghĩ rằng, dù mình có cố gắng ăn ở cho có đạo đức, làm các điều hay đẹp, rồi cuối cùng cũng chẳng đem theo địa được cái gì, chẳng được hưởng gì cả, một khi thân thể đã tiêu tan. 
Nó phá "thường kiến" sai lầm, làm cho con người tin rằng, loài người chết rồi, vẫn giữ địa vị của mình, dù có làm phúc hay tôi cũng vậy. Do đó, người ta cũng không cần phải cố gắng trong lúc sanh tiền. 
Với giáo lý luân hồi, chúng ta phấn khởi mà tin rằng: chết rồi không thể mất hẳn; nhưng nếu chúng ta không biết vun trồng cội phúc, không cố gắng sống một đời sống có đạo đức, thì đời sau, chúng ta sẽ sanh vào cảnh giới xấu xa đen tối. 
Giáo lý luân hồi làm cho chúng ta thêm lòng tự tín, tự thấy mình là chủ nhân của đời mình, mình tạo nghiệp nhân gì, thì mình chịu nghiệp quả ấy, chứ không ai cầm cân thưởng phạt, ban phước, giáng họa cho mình cả. 
Nay chúng ta đã hiểu ý nghĩa và giá trị của giáo lý luân hồi, chúng ta nên cố gắng cải tạo tư tưởng, lời nói là hành vi của chúng ta, để tránh cho kiếp sau khỏi lâm vào cảnh giới đau khổ. Một khi các nhân ác đã được rửa sạch, những quả lành đầy đủ, các nghiệp hữu lậu không còn, lúc bấy giờ chúng ta có thể thoát ra khỏi luân hồi sanh tử và đạt đến cảnh giới tốt đẹp, bất sanh bất diệt của các vị A La Hán, Bồ Tát hay Phật.

(Theo Phật học phổ thông khoá 2)

Thập Thiện Nghiệp


A. Mở Ðề 
Thập Thiện Nghiệp là cội gốc của tất cả pháp lành thế gian và xuất thế gian 
Trong hai bài "Nhân quả" và "Luân hồi" mà chúng ta đã học, chúng ta đã thấy một cách tường tận rõ ràng: hễ chúng ta gieo nhân gì thì chúng ta gặt quả ấy hoặc ngay trong đời hiện tại, hoặc trong những đời sau. Nhân nhỏ thì qủa nhỏ, nhân lớn thì quả lớn. 
Nếu muốn được quả làm người thì phải gieo nhân làm người. Nhân làm người là sự chuyên giữ năm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu). Với nhân nầy, ta được cái quả trong hiện tại là mọi người từ trong gia đình quyến thuộc cho đến ngoài xã hội, đều thương yêu quí trọng. Nhưng nếu chúng ta muốn tiến xa hơn một bực nữa, chúng ta gắng tu Thập Thiện Nghiệp, chúng ta sẽ hưởng được cuộc sống an lạc trong hiện tại và đời sau, chúng ta sẽ sanh lên sáu từng Trời cõi Dục, hưởng cảnh vui thú, an nhàn. 
Nếu chúng ta muốn vượt khỏi ba cõi thế gian, để chứng quả tam thánh (Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát), ta phải tu nhân Tứ Ðế, Thập Nhị Nhân Duyên và Lục Ðộ. Tuy thế, muốn thực hiện được các môn tu nầy, không thể bỏ qua được môn tu Thập Thiện Nghiệp. Thập Thiện Nghiệp như là nấc thang quan trọng cần phải vượt qua, nếu muốn trèo lên cao nữa. Nó như là cơ sở căn bản, hạ tầng vững chắc nhất, để xây dựng lâu đài cao lớn lên trên. Vì lẽ đó, người ta nói Thập Thiện Nghiệp là cội gốc của tất cả các pháp lành thế gian và xuất thế gian.
 
B. Chánh Ðề 
I. Ðịnh Nghĩa
 
"Thập Thiện Nghiệp" là 10 nghiệp lành. 
"Nghiệp" là gì? 
"Nghiệp" là tiếng người Trung Hoa dịch từ chữ Phạn Karma mà ra. Nó có nghĩa là tạo tác, hành động. Nghiệp có thể chia ra ba tánh cách: lành, dữ, hoặc không lành không dữ (vô ký). Lành, theo đạo Phật, nghĩa là có lợi ích cho chúng sinh trong hiện tại cũng như trong tương lai. Dữ, nghĩa là có hại cho chúng sinh trong hiện tại cũng như trong tương lai.
 
II. Chỗ Phát Khởi 10 Nghiệp Dữ và 10 Nghiệp Lành 
Nghiệp thì nhiều, không thể kẻ xiết được. Nhưng tựu trung, người có thể phân ra mười loại nghiệp lành và mười loại nghiệp dữ. Những loại nghiệp nầy do ba chỗ phát khởi sau đây: Thân (việc làm), Khẩu (lời nói), Ý (ý nghĩ).
 
1. Những nghiệp dữ: 
Những nghiệp dữ chia ra như sau: 
a) Những nghiệp dữ về Thân có ba là:Sát sanh, trộm cắp, dâm dật. 
b) Những nghiệp dữ về Khẩu có bốn là: 
Nói dối, nói thêu dệt, nói lưỡi hai chiều, nói lời hung ác. 
c) Những nghiệp dữ về Ý có ba là: 
Tham lam, giận hờn, si mê. 
Cộng tất cả Thân, Khẩu, Ý thì có mười nghiệp dữ. 
2. Những nghiệp lành: 
Nếu con người làm ngược lại với 10 nghiệp dữ trên đây thì sẽ có được 10 nghiệp lành. Mười nghiệp lành chia ra như sau: 
a) Về Thân có ba: Không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dật. 
b) Về Khẩu có bốn: Không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác. 
c)Về Ý có ba: Không tham lam, không giận hờn, không si mê.
 
III.Ý Nghĩa Của 10 Nghiệp Lành 
1. Không sát sinh 
Không có sự vui mừng nào hơn sự vui mừng khỏi bị giết. Cũng chẳng có ân huệ nào hơn ân huệ không hại mạng. 
Khi một con chim sặp bị cắt cổ nhổ lông, một con cá sặp bị chặt kỳ, đánh vẩy, thế mà được thả ra, thì hãy tưởng tượng nỗi vui sướng của chúng, lớn lao là bao nhiêu ! Chim sẽ nhảy nhót, tung bay, kêu hót giữa khoảng trời rộng; cá sẽ vùng vẫy, bơi lội, giữa khoảng nước sâu. Thế mới rõ, thoát nạn giết hại, chúng sanh nào lại không khấp khởi vui mừng? Cho nên, không sát sanh mà lại phóng sanh là nghiệp lành đứng đầu trong Thập Thiện Nghiệp. 
Không sát sanh cũng như không ăn thịt chúng sanh thì khỏi phạm hai tội lớn sau đây: 
a) Giết hại các bực vị lai Phật. Vì Phật nói: 
"Tất cả chúng sinh đều là chư Phật vị lai" 
b) Giết lộn bà con nhiều đời, ăn lầm bà con nhiều kiếp. 
Trong kinh Bồ Tát giới có nói: "Tất cả lục đạo chúng sinh đều là họ hàng ta, cha mẹ ta đã chết đi rồi sanh lại trong nhiều đời nhiều kiếp". 
Người hằng ngày không sát sanh thì trong đời sống hiện tại sẽ mở rộng thêm lòng từ bi, là một nhân chánh để tu hành thành Phật, và được mười pháp lành, như kinh Thập Thiện Nghiệp đạo đã nói, dưới đây: 
a) Tất cả chúng sinh đều kính mến 
b) Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sinh  
c) Trừ sạch thói quen giận hờn 
d) Thân thể thường được khỏe mạnh 
đ) Tuổi thọ được lâu dài 
e) Thường được Thiên thần hộ trợ 
ê) Ngủ ngon giấc và không chiêm bao giữ 
g) Trừ hết các mối oán thù 
h) Khỏi bị đọa vào ba đường ác. 
i) Sau khi chết, được sanh lên cõi Trời.
 
2. Không trộm cướp 
Không trộm cắp là không lấy những vật gì không thuộc quyền sở hữu của mình, và người ta không cho mình. 
Quyền tư hữu là một quyền quan trọng. Ðã đành, mạng sống là quý trọng, nhưng nếu có mạng sống mà không có đủ vật thực, áo quần, nhà cửa, những thứ cần thiết để cung cấp cho thân mạng, thì người không thể sống được. Vì thế, mọi người đều thấy mình cần phải nỗ lực làm việc, để có tài sản đủ bảo đảm cho đời sống hiện tại và tương lai của mình và con cháu. Người đời quý trọng tài sản là vì thế. Nếu vì một lý do, bất chính, người ta bị tướt đoạt mất tài sản, thì người ta cũng đau khổ, buồn phiền như chính mình bị mất một phần sanh mạng. Tiền của là huyết mạch, cho nên khi bị trộm cắp hết của cải, nhiều người đã thất vọng, buồn phiền đến sinh đau ốm, có khi đến quyên sinh. Như vậy, ai nỡ lòng nào trộm cắp cho đành ! 
Vả lại, theo lẽ công bình, mình không muốn ai lấy của mình, thì mình đừng lấy của ai. Việc gì mình không muốn người làm đau khổ cho mình, thì mình cũng đừng làm đau khổ cho người. Xã hội chỉ tồn tại được, khi mọi người đều tôn trọng lẽ công bằng. 
Vả lại, của phi nghĩa, thường vào cửa trước ra ngõ sau, tiêu hao mau lẹ như nước xoi, cát chảy, rốt cuộc, tay trắng cũng lại hoàn tay trắng, mà còn lại bị người đời khinh khi, phỉ nhổ, xấu hổ cho mình và con cháu về sau. 
Trái lại, người không trộm cắp, bao giờ lòng dạ cũng được thảnh thơi, không sợ luật pháp truy tầm, chẳng lo ai thù oán. Một xã hội không có trộm cắp, thì nhà nhà khỏi đóng cửa, của đánh rơi không mất, cảnh tượng giành giựt không diễn ra, xã hội được thái bình an lạc: 
Nếu không gian tham trộm cắp, mà lại làm hạnh bố thí thì theo kinh Thập Thiện Nghiệp, được những pháp lành như sau: 
a) Tiền của có dư không bị nạn giặc giả cướp mất, chánh quyền tịch thâu, không bị nạn lụt trôi, lửa cháy và con cái phá tán. 
b) Ðược nhiều người tin cậy chúng sanh Không bị lừa dối, gạt gẫm. 
d) Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình  
đ) Lòng được an ổn, không lo sợ vì sự tổn hại gì cả 
e) Khi chết rồi được sanh lên cõi Trời 
3. Không tà dục 
Dâm dật là cái nhân sanh tử luân hồi. Nó là ma chướng làm ngăn trở bước đường tu giải thoát. Bởi vậy, người xuất gia muốn chứng quả, thành đạo, phải đoạn trừ dâm dật ở thân cũng như ở tâm. Kinh Lăng Nghiêm nói: 
"Lòng dâm không trừ, thì không thể ra khỏi trần lao". 
Còn người tại gia, Phật chỉ ngăn tà dâm, nghĩa là vợ chồng có cưới hỏi chánh thức mới được ăn ở, nhưng phải có tiết độ, không lang chạ, ngoại tình. 
Trong gia đình, chồng không tà dâm, vợ không lang chạ, thì cuộc sống chung được đầm ấm, an vui. Do đó, gia đình được hạnh phúc, sự làm ăn tấn phát, sự nghiệp vững bền, bà con đôi bên vui vẻ, dòng họ hai phiá thơm lây, xóm giềng vừa lòng, làng nước quí chuộng. 
Kinh Thập Thiện Nghiệp đạo nói: 
Không tà dục và giữ được tịnh hạnh sẽ được bốn điều lợi: 
a) Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được vẹn toàn 
b) Ðoạn trừ hết những sự phiền não, quấy nhiễu. 
c)Không ai dám xâm phạm vợ chồng con cái 
d) Ðược tiếng tốt, người đời khen ngợi 
4. Không nói dối 
Không nói dối là nghĩ thế nào nói thế ấy, trong lòng và lời nói không trái nhau, việc phải thì nói phải, việc quấy thì nói quấy, việc có thì nói có, chuyện không thì nói không. 
Có người cho rằng nói dối để lừa phỉnh chơi, thì không hại gì. Thật ra, sự nói dối ấy vẫn có hại, vì nó làm cho ta quen với thói xấu ấy, và làm cho người chung quanh không tin ở lời nói của ta nữa, dù đôi khi ta nói thật. 
Nói dối vì sợ hãi, khiếp nhược, lại càng nên tránh, vì nó làm cho ta quen tánh che giấu tội lỗi, và không chịu sửa chữa. 
Nói dối để thu lợi hay khoe khoang, lại càng nặng tội. Nhà buôn nói dối rất dễ ế hàng; và nhất là kẻ học Ðạo, nếu nói dối rằng mình đã chứng quả Thánh, hay đắc đạo để cho người kính phục, sùng bái mình, thì sẽ mắc tội đại vọng ngữ, bị đọa vào ba đường ác. 
Nói dối, chỉ trong trường hợp để cứu khổ, độ nguy cho người và vật mới không phạm tội. 
Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói dối mà lại nói lời ngay thật, thì được những điều lợi ích như sau: 
a) Miệng thường thơm sạch 
b) Thế gian và nhân, thiên đều kính yêu 
c) Lời nói không lầm lộn và vui vẻ 
d) Trí tuệ thù thắng, không ai hơn 
đ) Ðược hưởng lạc thú như ý nghuyện và ba nghiệp đều sạch. 
5. Không nói thêu dệt 
Không nói thêu dệt, nghĩa là không trau chuốt lời nói, không thêu hoa, dệt gấm, không ngọt ngào đường mật, để lung lạc lòng dạ của người, để quyến rũ làm những điều sái quấy. Những kẻ nói lời thêu dệt là những kẻ có lòng dạ bất chính, lợi dụng lòng dễ tin của người để trục lợi. Những người nầy thường bị người đời chê cười, khinh rẻ và tránh xa, để khỏi bị tổn hại tài sản, danh giá và tánh mạng nữa. 
Theo kinh Tập Thiện Nghiệp đạo, người không nói lời thêu dệt sẽ được ba điều lợi ích: 
a) Ðược người trí thức yêu mến. 
b) Hay đáp được những câu hỏi khó khăn. 
c) Ðược làm người có uy đức, cao quý trong cõi nhân thiên. 
6. Không nói lưỡi hai chiều 
Không nói lưỡi hai chiều, hay nói hai lưỡi, nghĩa là không đến bên nầy nói xấu bên kia, không đến bên kia nói xấu bên này; không đem chuyện người nầy ra dèm pha, mà cũng không khêu chuyện người nọ ra nhạo báng; không làm cho đôi bên sân hận đấu tranh, cũng không đứng trung gian gây ác cảm cho hai đàng thù oán. Tóm lại, người không nói hai lưỡi là người không có ác tâm, không dùng lời trái ngược để làm cho những kẻ thân thành thù, gần thành xa. 
Người không nói hai lưỡi, không khi nào có chuyện lôi thôi với bà con, và cũng không có việc phiền muộn với hàng xóm, nên được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa người gần kính mến. Người không nói hai lưỡi mà còn nói những lời êm ái hòa thuận, làm cho bạn bè thêm kính trọng nhau, bà con thêm tin yêu nhau, khiến cho ai ai cũng vui vẻ bằng lòng nhau. Những người ấy đi đến đâu cũng được tiếp đãi tử tế, gặp việc gì khó cũng dàn xếp được dẽ dàng. 
Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói hai lưỡi, sẽ được những điều lợi ích sau đây: 
a) Bà con, dòng họ được luôn luôn sum họp 
b) Tình bằng hữu của thiện tri thức được vững bền bất hoại 
c) Ðức tin bất hoại 
d) Pháp hạnh bất hoại 
7. Không nói lời hung ác 
Không nói hung ác là không nói những lời hung dữ ác độc, cộc cằn, thô tục làm cho người nghe khó chịu; không mắng nhiếc làm cho người nghe hổ thẹn, tủi đau v.v... 
Người không nói lời hung ác, chẳng hề bươi móc việc không hay của ai, mà trái lại, ưa bày những điều tốt đẹp của kẻ khác. Lời lẽ của họ thốt ra dịu dàng, thanh nhã, hiền hậu, toàn là lời đạo đức, từ bi, lợi lạc cho tất cả chúng sinh, ai nghe cũng hân hoan, kính trọng. 
Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không nói lời hung ác mà lại nói lời ôn hòa, được những công đức như sau: 
a) Nói lời nào cũng khôn khéo đúng lý và lợi ích 
b) Nói điều gì, ai cũng nghe theo và tin cậy 
c) Nói ra lời nào cũng không ai chỉ trích mà còn được mến yêu. 
8. Không tham muốn 
Ở đời, có 5 món dục lạc, mà người ta thường tham muốn nhất là: tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Ngũ trần dục lạc ấy, thật ra, vui ít mà khổ nhiều. Như tham tiền của phải đày đọa thân sống, đôi khi còn dùng những phương tiện bất chính, để thâu tóm về mình, và khi mất thì lại vô cùng đau khổ. Tham sắc thì tồn tiền nhiều, lại mất sức khỏe và hao tổn tinh thần; nhiều khi lại tìm những mưu chước tồi tệ để thỏa lòng ước muốn; nếu không được, lại đâm ra ghen tương, thù hận, giết chóc. Tham danh vọng, quyền tước thì phải vào lòn ra cúi, lao tâm khổ trí, mất ăn bỏ ngủ, đôi khi lại còn làm trò cười cho người chung quanh. Tham ăn uống cao lương mỹ vị, thì bị nhiều bịnh khó trị, thân thể mệt nhọc, mạng sống không thọ. Tham ngủ nghỉ, ngủ sớm dậy trưa, thì trí não hóa đần độn, tối tăm. 
Ngũ dục lạc chính là những nguyên nhân chính ràng buộc kiếp người vào vòng sanh tử, Luân hồi, sa đọa. 
Người không tham muốn những thứ ấy, là người biết tu hành Thiểu Dục và Tri Túc. Thiểu Dục là muốn ít; Tri Túc là biết đủ. Người Thiểu Dục, Tri Túc thì có một đời sống giản dị, thanh cao và an toàn. 
Xã hội nếu chỉ gồm những hạng người ấy, thì những thảm trạng: kẻ mạnh hiếp người yếu, kẻ giàu đàn áp người nghèo, người nghèo oán hận kẻ giàu, không còn tiếp diễn, và cõi đời cũng được sống trong cảnh thanh bình an lạc. 
Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không tham muốn thì được thành tựu những điều tốt đẹp sau đây: 
a) Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) được tự tại, vì nhân các căn đều đầy đủ 
b) Của cải không mất mát, hay bị cướp giựt 
c) Phúc đức tự tại 
d) Những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, mặc dù mình không mong ước. 
9. Không giận hờn 
Không giận hờn là vẫn giữ sự bình tĩnh, điềm đạm, nhu hòa trước những cảnh trái ý nghịch lòng. 
Giận hờn là một tánh xấu rất tai hại, nó như một ngọn lửa dữ, đốt cháy cả mình lẫn người chung quanh. Kinh Phật có câu: 
"Một niệm giận hờn nổi lên, thì trăm, nghìn cửa nghiệp chướng đều mở. Lửa tức giận một phen phát ra, liền đốt tất cả rừng công đức". 
Khổng giáo cũng có nói: 
"Dằn tâm giận xuống một lúc thì khỏi lo sợ cảm trăm ngày. Nên chi việc đáng nhịn thì nhịn, chuyện đáng răn thì răn. Nếu chẳng nhịn chẳng răn, thì việc nhỏ hóa ra to. Bao nhiêu điều phiền não, đều do chẳng nhịn mà ra". 
Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người nào không giận tức, thì được tám món tâm pháp, vui mừng như sau: 
a) Không tâm khổ não 
b) Không tâm giận hờn 
c) Không tâm tranh giành 
d) Tâm nhu hòa ngay thẳng 
đ) Tâm từ bi như Phật  
e) Thường làm lợi ích yên ổn cho các chúng sanh  
ê) Thân tướng trang nghiêm, chúng sinh đều tôn kính 
g) Có đức nhẫn nhục, được mau sanh lên cõi Phạm Thiên. 
10. Không si mê. 
Không si mê là biết phán đoán rành rẽ, nhận định rõ ràng, đúng đắn, không cố chấp theo sự hiểu biết riêng của mình, không tin những thuyết không hợp chơn lý, nhất là không mê tín dị đoan. 
Người không si mê, tức là người có trí huệ, giản trạch, tin có nhân quả luân hồi, nên không tạo tội mà cứ làm phước, thường tu hạnh Bát nhã, dứ trừ vô minh, để tiến mãi trên con đường giải thoát. 
Theo kinh Thập Thiện Nghiệp đạo, người không si mê, thì thành tựu được 10 pháp công đức sau đây: 
a) Ðược ý vui chơn thiện và bạn chơn thiện 
b) Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm ác. 
c)Chỉ quy y Phật, chứ không quy y thiên thần và ngoại đạo 
d)Tâm sanh ngay thẳng, chánh kiến 
đ)Sanh lên cõi trời, khỏi bị đọa vào ba đường ác 
e) Phúc huệ không lường, thường tăng lên mãi 
ê) Dứt hẳn đường tà, chăm tu đạo chánh 
g) Không lòng chấp ngã, bỏ hết ác nghiệp 
h) Yên ở vào nơi chánh kiến 
i) Khỏi bị nạn dữ
 
C. Kết Luận 
Mười nghiệp lành, cũng như mười nghiệp dữ, đều do thân, khẩu, ý phát khởi ra. Nghiệp dữ ví như cỏ, nghiệp lành ví như lúa, đều mọc chung trên một đám ruộng. Cỏ thường làm chướng ngại lúa, không cho sanh trưởng tốt tươi. Nếu muốn lúa tốt để mãn mùa thu hoạch được nhiều, thì phải nhổ sạch cỏ. Cũng thế, muốn được nghiệp lành, thì cần phải dứt hẳn mười nghiệp dữ. 
Hàng phục mười nghiệp dữ, mỗi ngày cứ phát triển nghiệp lành mãi, thì sẽ được bốn điều lợi ích sau nầy: 
1. Cải tạo thân tâm 
Thân tâm con người thường bị nghiệp lực chi phối. Sự thực hành mười nghiệp lành, sẽ hoán cải thân tâm con người trở thành tốt đẹp. Dụ như không sát sanh mà lại phóng sanh, thì lòng hung ác sẽ đổi ra lòng từ bi, sự oán thù sẽ đổi ra thành ân nghĩa. 
2. Cải tạo hoàn cảnh 
Hoàn cảnh cũng như tấm gương lớn phản ảnh tất cả những cử chỉ hành động, đời sống của mỗi người. Nếu ta cười thì tấm gương cười lại; nếu ta khóc, tấm gương cũng khóc lại. Cũng thế, nếu ta làm các việc lành, giúp ích đồng loại, cứu vớt chúng sanh, thì hoàn cảnh đối với ta, sẽ trở thành cảnh giới tốt đẹp. Chẳng hạn, khi ta không giận hờn, lại tu hạnh nhẫn nhục, thì hoàn cảnh không có sự đấu tranh giết hại, mà chỉ là sự tương thân tương ái. 
3. Chánh nhân thiên giới 
Tu Thập Thiện Nghiệp là gieo nhân tốt để đời sau gặt kết quả đẹp đẽ là sanh lên cõi Trời, hưởng phước lạc đầy đủ. 
4. Căn bản Phật quả 
Mười phương ba đời, các vị hiền thánh thoát khỏi sanh tử, chứng quả vô thường, đều lấy mười nghiệp thiện làm căn bản; vì mười nghiệp lành nầy, có công năng ngăn ngừa các hành vi độc ác, làm cho ba nghiệp (Thân, Khẩu, Ý) được thanh tịnh, nhờ đó, con người mới thoát ly sanh tử, chứng qủa Niết Bàn. Nếu đem mười nghiệp lành nầy, hồi hướng cho toàn thể chúng sanh, thì sẽ được Phật quả. 
Tóm lại, tu Thập Thiện Nghiệp thì trong đời hiện tại, thân tâm ta được cải thiện đẹp đẽ, hoàn cảnh ta sống được sáng sủa tươi vui; và tương lai ta tránh khỏi đọa lạc chốn tam đồ, lại được hưởng phước báo cõi Nhân, Thiên và Niết Bàn 
Vậy ước mong tát cả mọi người, nên tu Thập Thiện Nghiệp để tạo hạnh phúc cho mình và cho tất cả chúng sanh. Có như thế mới là bực trí huệ làm theo lẽ phải. Vì một phen được thân người mà không tu để tiến hóa lên, thì khi mất nhân thân rồi, muôn kiếp khó trở lại được.

(Theo Phật học phổ thông khóa 2)